Lo lắng, sợ hãi, bất an…
Nguyễn Anh Duy, sinh viên Trường ĐH V.H, chia sẻ suốt thời gian gần đây đã tự nhận thấy bản thân "không bình thường". "Không bình thường" ở chỗ chàng trai này cực kỳ sợ hãi những hoạt động tụ tập đông người. Duy thường nói "không" với việc tham gia các chương trình khoa, lớp tổ chức.
Đáng chú ý, Duy cho biết luôn có cảm giác mọi cuộc nói chuyện của bạn bè trong lớp, thậm chí là của những người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh, em… có vẻ như đang tập trung bàn tán về mình, mình là tâm điểm của mọi sự chú ý. Và điều đó khiến Duy sợ hãi.
Một trường hợp khác là Phan Phương Phương (31 tuổi), ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Cô cho biết khoảng gần nửa năm nay chỉ thích ở một mình.
Hết giờ làm là Phương về thẳng nhà. Cô gái này không tiếp xúc với hàng xóm, cũng chẳng có nhu cầu tương tác trên mạng xã hội. Không những vậy, cô không muốn nói chuyện với bất kỳ ai, tránh né cả người thân. Phương có nuôi 2 con mèo, cho biết đó là những người bạn đồng hành với cô trong cuộc sống. Phương nói cả 3 (Phương và 2 con mèo) đã dựa vào nhau mà sống. Hằng ngày, thay vì giao tiếp với mọi người, Phương chỉ thích được thủ thỉ tâm tình mọi điều với 2 con mèo.
Chị Hoàng Thị Tuyết (41 tuổi), ở Q.Tân Bình, TP.HCM, là phụ huynh của N.N.N, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình), cho biết N. từng rất hoạt bát, năng nổ trong mọi hoạt động, thế nhưng giờ đây nam sinh này trở nên nhút nhát.
"Bạn bè cùng lớp cho biết N. chẳng hứng thú trò chuyện với ai, không muốn tham gia bất kỳ hoạt động nào của trường, của lớp. N. hay cáo bệnh để xin nghỉ. Những chương trình bắt buộc phải có mặt, N. tham gia theo kiểu chẳng đặng đừng", chị Tuyết kể.
Theo chị Tuyết, điều làm N. sợ nhất hiện nay là bị thầy cô chỉ trích, phê bình, bạn bè chê bai. Dù chỉ là những lời nhận xét như: đá bóng không hay, đá cầu không tốt, cách ăn mặc chưa đẹp… cũng khiến N. sợ hãi và ám ảnh.
Nhìn cuộc sống dưới lăng kính cực đoan
Nguyễn Diệu Thảo, cựu sinh viên Trường ĐH RMIT, vừa nghỉ học bởi nghĩ rằng mình bị bạn bè cô lập. "Không biết suy nghĩ của mình có đúng không, nhưng mình thấy rằng càng ngày mình càng không được lòng mọi người", Thảo kể.
Theo Thảo, trước đây cô thường nhìn nhận mọi vấn đề dưới lăng kính tích cực. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay Thảo luôn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Thay vì tự tin rằng "mọi chuyện sẽ tốt thôi" thì Thảo lại có chiều hướng buông xuôi "chắc rồi mình sẽ thất bại", "có lẽ kết cục sẽ tệ hại"…
Ngày "chạm ngõ" cuộc sống sinh viên, Thảo nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng rằng sau khi ra trường sẽ có công việc ổn định, lương như mong muốn. Vậy nhưng cách đây 2 tháng, cô gái gen Z này luôn tự dự cảm về những điều không lành, những chuyện xui rủi có thể xảy ra, mường tượng đến một tương lai đầy tiêu cực. Và rồi Thảo quyết định bỏ học, nhưng không về quê ở Đồng Nai mà một mình gặm nhấm nỗi cô đơn ở phòng trọ tại TP.HCM.
Phó hiệu trưởng một trường cao đẳng ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết mới đây có một nhóm 12 sinh viên của trường quyết định nghỉ học chỉ vì đọc những tin tức, số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, đã mặc định rằng tương lai mình sẽ thất nghiệp. "Khi trường tìm hiểu, trao đổi mới được các bạn kể thật là đã tự dự đoán về tương lai ảm đạm, cho rằng bản thân khó có thể thành công sau khi ra trường. Vì lo âu quá mức nên… rủ nhau nghỉ học. Trường đã động viên và hiện tại các bạn đã quay trở lại trường", vị phó hiệu trưởng này cho biết.
Bác sĩ Lê Hữu Trọng, chuyên khoa Tâm thần kinh - trị liệu tâm lý, Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia, cho rằng những trường hợp kể trên chính là rối loạn lo âu. Ông cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp người trẻ, cả học sinh, sinh viên, người đi làm… đến khám và có những triệu chứng về cảm xúc như thế.
"Họ chỉ muốn tự cô lập bản thân và luôn nhìn cuộc sống với lăng kính cực đoan. Họ luôn ở trạng thái lo âu thái quá về mọi vấn đề. Có những bạn kể thật rằng họ đắm chìm vào bia rượu, thuốc lá trong một khoảng thời gian dài nhằm giải tỏa những bức bối, bực dọc, những nỗi niềm trong lòng", bác sĩ Trọng cho biết.
Cũng theo vị bác sĩ này, ngoài những triệu chứng về cảm xúc thì một bộ phận người trẻ đang rối loạn lo âu còn thể hiện triệu chứng bệnh qua những hành vi như: thường hồi hộp, lo lắng, nhịp tim bị rối loạn, luôn cảm thấy căng thẳng, giấc ngủ chập chờn, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi…
Rối loạn lo âu và tự kỷ giống hay khác nhau ?
"Rối loạn lo âu và tự kỷ là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Không thể quy chụp hoặc hiểu sai về vấn đề này, nhất là nội hàm của tự kỷ, hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ là rối loạn phát triển có nguồn gốc thường từ bẩm sinh, di truyền. Còn rối loạn lo âu có nguồn gốc từ những trải nghiệm sống của mỗi cá nhân, từ nhận thức của họ về tương tác xã hội và cách xử lý, đương đầu với các sự kiện kích thích bên ngoài xã hội gây ra", tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh tâm lý học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
|
Theo Thanh niên