Nhân viên y tế chuẩn bị vắc xin Pfizer/BioNTech ở Israel - AFP
Điều này khiến một số nơi quyết định cho tiêm mũi thứ 3 như mũi nhắc lại để tăng khả năng miễn dịch của người dân.
Đức là một trong những quốc gia mới nhất tính đến chuyện này. Theo AFP, Đức ngày 2.8 thông báo nước này từ tháng 9 sẽ tiêm mũi thứ 3 cho người già, người trong viện dưỡng lão và người dễ bị tổn thương. Vắc xin mRNA, bao gồm vắc xin do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển, sẽ dùng cho việc tiêm nhắc lại, bất kể loại vắc xin người dân đã được tiêm trước đó.
Bên cạnh đó, Đức cũng cho phép trẻ em 12 - 17 tuổi tiêm vắc xin Covid-19. Việc chủng ngừa trên trẻ em là tự nguyện và chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của phụ huynh.
Kế hoạch tiêm chủng mới của Đức được công bố trong bối cảnh nước này đang dư quá nhiều vắc xin, dẫn đến áp lực trong việc giải quyết vắc xin trước khi quá hạn và thiếu kho lạnh để chứa thuốc, theo báo Der Spiegel.
Ngoài Đức, các nước khác đã triển khai tiêm mũi thứ 3 sau khi biến thể Delta gây ra làn sóng lây nhiễm mới trên thế giới. Theo The New York Times, Israel, một trong những nước có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất, bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho những người từ 60 tuổi trở lên vào tuần trước.
Một tháng trước, Nga cho phép người đã chủng ngừa Covid-19 được 6 tháng tiêm mũi thứ 3. Ngày 1.8, Hungary cũng đã tiêm mũi thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 mũi từ 4 tháng trước. Pháp đang cho những người có hệ thống miễn dịch kém tiêm liều bổ sung và dự kiến cho người đã chích ngừa xong vào đầu năm nay tiêm nhắc lại.
Ở khu vực Đông Nam Á, Campuchia thông báo tiêm nhắc lại cho 500.000 nhân viên y tế tuyến đầu từ ngày 1.8. Đất nước này cũng bắt đầu chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh đang có tình hình dịch căng thẳng. Indonesia đang tiêm thêm vắc xin Moderna cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế, phần lớn trong số này đã được chích 2 mũi Sinovac, theo The Jakarta Post.
Một số nước cũng đang xem xét kế hoạch tiêm nhắc lại cho người dân. Ngày 1.8, tờ The Telegraph đưa tin Anh sẽ tiêm mũi thứ 3 cho 32 triệu người và chương trình này có thể bắt đầu sớm nhất vào ngày 6.9. Úc đã đặt mua thêm 85 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm nhắc lại cho người dân đến năm 2023.
Trung Quốc cũng đang xem xét việc tiêm liều bổ sung cho những nhóm có nguy cơ cao, theo SCMP. Tháng trước, Singapore thông báo chương trình tiêm nhắc lại có thể bắt đầu vào tháng 2.2022. Bác sĩ Scott Gottlieb, thành viên ban quản trị Công ty Pfizer, ngày 2.8 phát biểu trên Đài CNBC rằng Mỹ có thể bắt đầu cho tiêm mũi thứ 3 sớm nhất vào tháng 9.
Việc các nước tính chuyện tiêm liều vắc xin Covid-19 bổ sung dẫn đến nhu cầu vắc xin tăng cao trên thế giới, kể cả ở những nơi đã tiêm xong 2 liều cho phần lớn dân số. Tạp chí Nature dẫn lại phân tích nội bộ của WHO cho thấy nếu 11 nước giàu triển khai hoặc xem xét tiêm nhắc lại cho mọi người dân trên 50 tuổi trong năm nay, họ sẽ cần khoảng 440 triệu liều vắc xin. Nếu tất cả quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trên trung bình đều làm vậy, con số trên sẽ tăng gấp đôi.
Hàn Quốc báo động vì biến thể Delta+ Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này ngày 3.8 phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 mắc biến thể Delta Plus (Delta+), Reuters đưa tin. Trong đó, ca bệnh thứ 2 là du khách trở về từ Mỹ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca trước chuyến đi, theo KDCA. Delta+ là dòng phụ của biến thể Delta và mang đột biến ở protein gai mang tên K417N. Đột biến này cũng được tìm thấy trong biến thể Beta. Giới khoa học cho rằng biến thể Delta Plus thậm chí có khả năng lây nhanh hơn Delta. Ấn Độ và nhiều nước khác đang kiểm tra hiệu quả của vắc xin trước biến thể này. |
Theo thanhnien