Một vòi oxy, các bác sĩ đã cải tiến chia ra thành sáu đầu được điều chỉnh bằng van kim loại - Ảnh: Phạm An

Một bình oxy cùng lúc cấp cứu 6 bệnh nhân

Những ngày qua, Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 số 6 dần khắc phục nhiều trường hợp F0 trở nặng chỉ với một bình oxy. Theo các bác sĩ điều trị, ban đầu nhân viên tại đây “tách oxy” để duy trì cấp cứu cho bệnh nhân trở nặng do các khoa, phòng đang quá tải, không ngờ hiệu quả đạt được trên mức mong đợi.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân mắc COVID-19 gây ra phản ứng viêm làm tổn thương màng phế nang, mao mạch phổi, gây vi huyết khối, khiến việc trao đổi khí khó khăn, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu có thể đe dọa tính mạng nếu không cung cấp oxy kịp thời. Đặc biệt là đối với bệnh nhân F0 suy hô hấp. Đã có nhiều F0 khi vào bệnh viện nhìn có vẻ khỏe mạnh, ít triệu chứng, nhưng khi đo nồng độ oxy lại phát hiện bất thường, phải được cung cấp oxy ngay. Vì vậy, trong điều trị bệnh nhân COVID-19, bác sĩ phải thật cảnh giác và oxy là một trong những giải pháp hàng đầu.

Tuy một số bệnh viện có hệ thống oxy lỏng nhưng các ca bệnh tăng nhanh vẫn cần lượng oxy bình cho người bệnh tại phòng ngoài. Bác sĩ buộc phải duy trì sức khỏe cho bệnh nhân đang chuyển nặng, cấp cứu bệnh nhân nặng hơn, tạo nên áp lực khá lớn.

Khi được chi viện đến Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 số 6, bác sĩ Phan Trung Hiếu, Bệnh viện Chợ Rẫy, đã dựa vào nguyên lý cung cấp oxy nhiều vòi trong hồ cá áp dụng vào bình oxy, chia thiết bị thở ra từ 4 - 6 đầu nối để sử dụng cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.

Bác sĩ Phan Trung Hiếu cho biết: “Bệnh nhân COVID-19 đông, tình trạng suy hô hấp lại rất nhiều, cần khẩn cấp đưa oxy tới cho bệnh nhân. Đồng hồ để nối vào bình oxy lại thiếu nên không thể nào đủ ô-xy cho tất cả bệnh nhân. Nhà có nuôi cá, tôi từng chia các vòi oxy cho hồ cá, nên chợt nhận ra sao không áp dụng cách này để các bệnh nhân cùng thở chung một bình oxy”. Thế là vị bác sĩ ra mua đồng hồ oxy và các thiết bị chia oxy cho hồ cá về thử cải tiến bình oxy 60kg của người bệnh. May mắn, thí nghiệm lâm sàng mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, áp dụng vào điều trị đã cứu sống được nhiều bệnh nhân COVID-19.

Theo các bác sĩ, nhiều bệnh nhân sử dụng chung một bình oxy, lực lượng hậu cần sẽ phải canh đổi bình, bởi khoảng 30 - 45 phút oxy sẽ hết. Nhưng đổi lại, việc chia nhiều van có thể nhanh chóng cung cấp ô-xy khi bệnh nhân lên cơn khó thở, hạn chế tình trạng tử vong ở F0 suy hô hấp. Hiện, Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 số 6 có khoảng 25 bệnh nhân được thở oxy kịp thời đang duy trì không chuyển sang nặng, 6 - 7 bình oxy hoạt động cùng lúc cũng giúp bác sĩ chủ động hơn trong điều trị.

Chia đôi ECMO cứu sống sản phụ mắc COVID-19 nặng


Tiếp nhận sản phụ hơn 30 tuổi được chuyển đến, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã hội chẩn khẩn cấp với các chuyên gia, bác sĩ của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, và chỉ còn cách duy nhất để cứu thai phụ là phải chạy ECMO (máy hỗ trợ tim, phổi nhân tạo). Tuy nhiên, Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Quân y 175 chỉ có hai máy ECMO đang được sử dụng cho hai sản phụ cũng mắc COVID-19. Cả hai bệnh nhân đều trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, không thể nhường cho sản phụ vừa được đưa tới.

Các bác sĩ Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 TPHCM thực hiện ECMO cùng lúc cho hai bệnh nhân F0 - Ảnh: Trần Chính

Bệnh nhân ngày càng tiến gần đến “lưỡi hái tử thần”, quyết phải cứu sống tất cả sản phụ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đưa ra quyết định táo bạo “chia đôi ECMO”. Ngay lập tức, một ê-kíp bác sĩ cố gắng hồi sức tích cực cho sản phụ, ê-kíp còn lại nhanh chóng tìm đến các chuyên gia về máy và các kỹ sư Khoa Trang bị của bệnh viện, vừa đưa ra ý tưởng vừa gấp rút cải tiến máy ECMO của bệnh nhân đang điều trị.

Qua tham vấn nhanh của thượng úy Nguyễn Cảnh Chung; thiếu tá Diệp Hồng Kháng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực của trung tâm; thượng tá Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175, hơn một tiếng đồng hồ sau, các bác sĩ, chuyên gia máy và kỹ sư tiến hành cải tiến thành công máy ECMO, sử dụng cùng lúc cho hai bệnh nhân.

Nhờ chạy ECMO kịp lúc, sức khỏe sản phụ dần ổn định, thoát cửa tử trong gang tấc, còn bệnh nhân cũ đang duy trì ECMO trước đó cũng an toàn. Thượng tá Vũ Đình Ân cho biết: “Sau khi chạy ECMO, nồng độ ô-xy trong máu của sản phụ từ 85% đã cải thiện lên 95-98%, có lúc đạt 100%. Chúng tôi cũng điều chỉnh chế độ thở của bệnh nhân sang thở bảo vệ phổi. Hiện tại, chạy ECMO cùng lúc trên hai bệnh nhân đã thành công”.

Tính đến ngày 15/8, TPHCM đang điều trị 32.293 bệnh nhân, trong đó có 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc cải tiến, chạy ECMO đồng thời cho hai bệnh nhân nặng mang đến nhiều triển vọng trong công tác cứu chữa người bệnh. 

Theo phunuonline