1. Cơ chế gây thừa cân, béo phì là gì?
Cơ chế gây tình trạng thừa cân, béo phì là do hậu quả của việc năng lượng nạp vào cơ thể cao hơn so với năng lượng tiêu hao, dẫn đến việc tích lũy ở dạng mỡ và tăng cân. Do vậy, có quan điểm cho rằng, có thể nhịn ăn nhằm tiết chế tối đa năng lượng nạp vào sẽ giúp cho việc giảm cân hiệu quả và hi vọng rằng lượng mỡ thừa đã tích lũy sẽ tiêu biến được.
Tuy nhiên, quan niệm nhịn ăn để giảm cân là sai lầm, gây nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài cho cơ thể.
2. Nhịn ăn có tốt cho sức khỏe?
Ban đầu khi nhịn ăn, cơ thể sẽ điều chỉnh bằng cách kiềm chế sự thèm ăn để giảm cảm giác đói và quen với việc nạp lượng thức ăn ít hơn bình thường, nhưng khi bạn ngừng nhịn ăn, sự thèm ăn sẽ quay trở lại, tăng cường cảm giác đói và gây tình trạng ăn quá nhiều.
Rõ ràng, tuy nhịn ăn là biện pháp giảm cân có vẻ hiệu quả lúc đầu, nhưng không mang đến kết quả dài lâu. Điều này cũng đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học và nhịn ăn để giảm cân không phải là phương pháp giảm cân an toàn.
Nhịn ăn không phải là biện pháp khoa học để giảm cân
3. Hệ lụy của nhịn ăn với sức khỏe
Cơ thể mệt mỏi
Khi nhịn ăn, cơ thể sẽ luôn nằm ở trạng thái "đói", và tốc độ chuyển hóa của cơ thể sẽ giảm xuống để tiết kiệm năng lượng. Do vậy, khi nhịn ăn kéo dài, có thể cân nặng giảm xuống nhưng các hoạt động bình thường của cơ thể sẽ bị hạn chế, người nhịn ăn sẽ dễ bị mệt, giảm sức bền, không tươi tỉnh, giảm sự tập trung và giảm trí nhớ, gây tâm trạng tiêu cực, rối loạn giấc ngủ.
Gây mất cơ
Nhịn ăn giảm cân thường kéo theo tình trạng cơ thể bị mất nước, hạ đường huyết. Thức ăn là nguồn quan trọng cung cấp nhu cầu cơ bản về nước, khoáng chất và các chất dinh dưỡng như đạm, tinh bột, mỡ cho cơ thể. Nhịn ăn gây ra tình trạng mất cơ, vì cơ thể bị bỏ đói trước tiên sẽ sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong cơ để đáp ứng với sự thiếu hụt năng lượng và gây tăng tích tụ các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể.
Suy nhược cơ thể
Việc nhịn ăn để giảm cân thường kéo theo việc bổ sung không đủ nước, thiếu các vi chất cần thiết cho cơ thể như sắt, kẽm, magie… từ đó gây ra những hậu quả do thiếu hụt này như suy dinh dưỡng thậm chí là suy nhược cơ thể, suy kiệt. Cơ thể cũng có thể bị rối loạn các điện giải nghiêm trọng như natri, canxi, kali… có thể gây tụt huyết áp, giảm trương lực cơ, hoặc co cứng cơ.
Rối loạn tiêu hóa
Nhịn ăn kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề rối loạn tiêu hóa như là táo bón hoặc tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản. Lượng khẩu phần nạp vào quá ít có thể không kích thích niêm mạc ruột hoạt động tốt cùng với việc cơ thể giảm vận động để tiết kiệm năng lượng, giảm tốc độ chuyển hóa cơ bản gây tình trạng táo bón, đầy hơi, từ đó dễ có biểu hiện ợ hơi, trào ngược dạ dày thực quản và gây hôi miệng, tổn thương men răng…
Việc đói kéo dài cũng làm cho acid trong dạ dày bị dư thừa, dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm, loét dạ dày, hành tá tràng, gây ợ chua, hơi thở có mùi hôi…
Nhịn ăn kéo dài có thể gây trào ngược dạ dày thực quản
Rối loạn nội tiết và tâm lý
Nhịn ăn kéo dài cũng gây các tác động bất lợi đối với các tuyến nội tiết trong cơ thể và gây ra những rối loạn tâm lý. Nhiều trường hợp rối loạn kinh nguyệt đã được ghi nhận, thậm chí là tình trạng mất kinh ở những phụ nữ nhịn ăn kéo dài để giảm cân do hậu quả của mất cân bằng nội tiết tố, từ đó có thể gây các rối loạn suy buồng trứng, giảm khả năng sinh sản, thậm chí là vô sinh. Chế độ ăn thiếu năng lượng từ đường có thể gây ra tình trạng giảm nguồn nuôi các tế bào não, giảm tốc độ chuyển hóa và tốc độ dẫn truyền thần kinh, từ đó gây tình trạng mất trí nhớ, giảm tập trung, trầm cảm, lo âu…
Theo suckhoedoisong.vn