Phát hiện này được ghi nhận trong một nghiên cứu mới công bố trên JAMA Network Open. Theo giáo sư dinh dưỡng Krista Varady tại Đại học Illinois Chicago - người đứng đầu nghiên cứu, nhịn ăn gián đoạn là giải pháp thay thế khả thi cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 khi họ đã quá mệt mỏi với việc theo dõi calo trong bữa ăn hàng ngày.
Hiệu quả của chế độ nhịn ăn gián đoạn được chứng minh thông qua một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 75 người trong 6 tháng. Kết quả cho thấy, cân nặng của nhóm nhịn ăn gián đoạn giảm 3,6%, trong khi nhóm ăn đếm lượng calo tiêu thụ (chỉ giảm 1,8%).
Nhóm nhịn ăn gián đoạn giảm khoảng 300 calo/ngày. Họ ăn trong khung thời gian 8 giờ và kiêng ăn trong 16 giờ còn lại.
Hai nhóm có sự cải thiện đáng kể về chỉ số A1C - xét nghiệm đo lượng đường trong máu trung bình của một người trong ba tháng. “Những người tham gia đều giảm A1C khoảng 0,9%, từ mức 8 xuống mức 7. Khi A1C của họ dưới 6,5 là bệnh tiểu đường đã thuyên giảm” - giáo sư Krista Varady chia sẻ.
Ngoài ra, cả hai chế độ ăn kiêng này giúp giảm lượng mỡ nội tạng - yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Tuy có sự chênh lệch về mức độ giảm cân, cả hai nhóm đều giảm lượng mỡ nội tạng và vòng eo như nhau, dẫn đến cải thiện đường huyết một cách nhất quán.
Giáo sư Varady nhấn mạnh: “Kiểm soát lượng đường trong máu rất quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường type 2. Giảm cân, đặc biệt là giảm mỡ nội tạng thường đem lại hiệu quả cao trong việc ổn định đường huyết.”
Lời khuyên khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn
Mỗi người có thể lựa chọn chế độ ăn kiêng phù hợp với nhu cầu của bản thân, song để đạt được kết quả tốt nhất, bạn cần có sự đồng hành, hỗ trợ.
Bà Varady cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thúc đẩy tinh thần và trách nhiệm của người tham gia thông qua các buổi họp mặt hàng tuần. Tương tác với chuyên gia dinh dưỡng hoặc tham gia nhóm hỗ trợ giảm cân sẽ giúp bệnh nhân tuân thủ và duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt”.
Giáo sư khuyến nghị, người nhịn ăn gián đoạn nên bắt đầu bằng việc giới hạn thời gian ăn uống trong khoảng 10-12 giờ, sau đó giảm dần xuống còn 8 giờ. Trong trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện phương pháp này. Một số loại thuốc điều trị có thể làm hạ đường huyết. Ngoài ra, cần uống đủ nước trong thời gian nhịn ăn để giảm tác dụng phụ, chẳng hạn như đau đầu do mất nước.
Theo laodong