Nhịn ăn gián đoạn có hiệu quả không?
Cập nhật lúc 09:49, Thứ tư, 21/09/2022 (GMT+7)
Việc nhịn ăn gián đoạn không phải ai cũng áp dụng được. Chẳng hạn, những người bị rối loạn chuyển hóa, bị hạ đường huyết, mắc bệnh đái tháo đường.
* Thời gian gần đây, nhiều bạn bè tôi đã áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Cụ thể sẽ chỉ ăn bữa trưa và bữa tối, muộn nhất là 20 giờ, nhịn qua đêm và bỏ bữa sáng. Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều calo. Trong 1 tuần sẽ áp dụng 2 ngày nhịn ăn liên tục từ 16-24 giờ. Nhiều người nói có thể giảm tới 3 - 4kg/tháng. Xin hỏi cách này có hiệu quả lâu dài và ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không?
Nguyễn Anh Ngọc (quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia - trả lời: Tỷ lệ người béo phì trong cộng đồng ngày càng cao, nên việc áp dụng phương pháp giảm cân là điều tốt. Song, việc nhịn ăn gián đoạn không phải ai cũng áp dụng được. Chẳng hạn, những người bị rối loạn chuyển hóa, bị hạ đường huyết, mắc bệnh đái tháo đường, nếu nhịn ăn trong khoảng thời gian dài, dễ dẫn tới nguy cơ hạ đường huyết, ngất, hôn mê…
Phương pháp trên chỉ phù hợp cho một số nhóm người thường xuyên phải dự các bữa tiệc, ăn nhậu nhiều… muốn giảm cân sau đó, hoặc những người lao động nhẹ. Tuy nhiên, trong thời gian nhịn ăn, nếu xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, bủn rủn chân tay… thì phải ăn nhẹ, không được tiếp tục nhịn đói vì có thể ngất, hạ đường huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, với các trường hợp thừa cân, chúng tôi cũng không tư vấn áp dụng biện pháp nhịn ăn gián đoạn. Đặc biệt là với trẻ em. Bởi, cơ thể trẻ đang phát triển, nếu bị cắt giảm chất dinh dưỡng quá mức sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Để vừa đạt hiệu quả giảm cân, vừa an toàn cho sức khỏe, trước khi áp dụng bất kỳ chế độ ăn nào, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia đối với từng đối tượng.
Nguyên tắc giảm cân chủ yếu là phải giảm năng lượng đầu vào, hạn chế đồ ăn nhanh, chế biến sẵn và tăng cường vận động thể lực.
Theo phụ nữ TPHCM