Thông thường khi chú ý đến đôi tai, mọi người quan tâm đến các vấn đề như thính giác, tai có bị nấm hay nhiễm trùng không, vệ sinh tai sạch sẽ,... nhưng mọi người thường không biết rằng các dấu hiệu khác ở tai cũng có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khoẻ.
Nếp nhăn dái tai chéo (DELC), hay dấu hiệu Frank, là nếp xuất hiện ở phần dái tai - nơi đeo khuyên tai có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh động mạch vành - tình trạng này có thể gây ra các cơn đau tim. Nếp nhăn này thường ở góc 45° và kéo dài theo đường chéo về phía sau.
Nếp nhăn ở tai có liên quan đến bệnh tim như thế nào?
Có rất nhiều lý thuyết về mối quan hệ giữa nếp gấp chéo ở dái tai và bệnh động mạch vành, chẳng hạn như:
- Thiếu nguồn cung máu: Các động mạch thường cung cấp cho dái tai lượng máu giàu oxy cần thiết để giữ cho các mô khỏe mạnh. Nhưng nếu động mạch của bạn không hoạt động bình thường - một dấu hiệu của động mạch vành - thì dái tai của bạn có thể nhăn lại do thiếu nguồn cung cấp máu.
- Những thay đổi trong DNA: Giáo sư từ Trường Y Bệnh viện Guy ở London cho rằng thay đổi trong chuỗi DNA của một nhiễm sắc thể cụ thể có thể liên quan đến nếp gấp chéo của dái tai vì cả hai đều liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành.
- Mất elastin: Elastin, một loại protein trong cơ thể chịu trách nhiệm về độ đàn hồi và sức mạnh của các mô, cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Tình trạng mất elastin ở dái tai có liên quan đến tình trạng mất elastin ở các động mạch chính. Nếp nhăn có thể xuất hiện do thiếu nguồn cung cấp máu.
- Béo phì: Nếp nhăn ở dái tai có thể là dấu hiệu của bệnh béo phì, vốn là một yếu tố nguy cơ gây rối loạn tim mạch.
Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, dái tai nhăn cũng có thể do khi ngủ bạn tạo áp lực cho tai và gây ra tình trạng này. Nhưng điều đáng chú ý là nếu dái tai nhăn do tác động bên ngoài thì chúng sẽ nhanh chóng biến mất.
Dái tai nhăn có liên quan đến bệnh động mạch vành và đau tim (Ảnh: ST)
Nhiều tình trạng sức khỏe thể chất, xã hội và tâm lý khác nhau có liên quan đến mất thính lực. Trong đó các vấn đề sức khỏe có thể gây mất thính lực bao gồm chứng mất trí, tiểu đường và bệnh thận.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã phát hiện ra rằng những người bị mất thính lực ở mức độ vừa phải có khả năng mắc chứng mất trí cao gấp 3 lần so với những người có thính lực bình thường. Mất thính lực cũng được chứng minh là có liên quan đến sự co lại nhanh hơn của các vùng não chịu trách nhiệm xử lý âm thanh và ký ức.
Lượng đường trong máu cao và thấp kéo dài có thể gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh ở tai trong. Do vậy, mất thính lực là kết quả của tổn thương liên tục những cấu trúc này ở những người bị tiểu đường.
Việc thận bài tiết không đủ các chất thải trao đổi chất dẫn đến lưu thông các chất độc hại này trong cơ thể. Điều này có thể gây tổn thương cho các mô và hệ thống cơ quan, bao gồm hệ thống thính giác và có thể dẫn đến mất thính lực.
Tình trạng mất thính lực chỉ ảnh hưởng đến một tai có thể là kết quả của chấn thương, nhiễm trùng hoặc tích tụ chất lỏng.
Tình trạng này cũng có thể xảy ra do một khối u lành tính được gọi là u thần kinh âm thanh. Khi khối u này phát triển đủ lớn để chèn ép vào dây thần kinh thính giác, có thể gây mất thính lực ở một tai và gây ra các triệu chứng khác như chóng mặt, ù tai và xệ mặt.
Ù tai với các triệu chứng như cảm thấy trong tai có tiếng rít, vo ve, gầm,... TÌnh trạng này ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây căng thẳng và lo lắng, đặc biệt là gây mất ngủ.
Có nhiều bệnh và rối loạn khác nhau có thể gây ra chứng ù tai; bao gồm huyết áp cao, bệnh tim mạch, thay đổi nội tiết tố, bệnh Meniere và khối u.
Để chẩn đoán các tình trạng sức khỏe liên quan đến ù tai, bạn có thể chú ý đến các dấu hiệu khác của cơ thể hoặc đến bệnh viện thăm khám. Chẳng hạn ù tại liên quan đến huyết áp cao, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu khác như đau đầu dữ dội, đau ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mờ mắt,...
Ngứa tai thường không phải là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng, đây có thể là dấu hiệu của bệnh chàm hoặc nấm.
Khi bị nấm tai bạn có thể thấy tai có dịch tiết màu trắng, nếu bị chàm thì có thể xuất hiện vảy trắng và ống tai đỏ. Chú ý khi bị nấm hoặc chàm tai bạn không nên gãi để tránh làm lây lan. Điều quan trọng là bạn nên thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Đau tai là tình trạng phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như đeo tai nghe thường xuyên, chấn thương hoặc đây là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe như đau răng, rối loạn TMJ, viêm mô tế bào do nhiễm trùng, đau họng hoặc khối u.
Bạn nên chú ý đến các dấu hiệu khác đi kèm, đặc biệt nếu đau tai kéo dài và không thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Đau tai có thể do nhiều nguyên nhân liên quan đến răng, hàm, nhiễm trùng hoặc khối u (Ảnh: ST)
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc cảm xúc như xấu hổ thường khiến tai chuyển sang màu đỏ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể xảy ra do những thay đổi về hormone liên quan đến thời kỳ mãn kinh hoặc hội chứng tai đỏ.
Hội chứng tai đỏ là một tình trạng đặc trưng bởi cảm giác nóng rát ở tai có thể gây ra chứng đau nửa đầu và đau đầu từng cơn. Những người mắc hội chứng tai đỏ thường có có cảm giác đau nhức, có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút. Trong một số trường hợp hiếm hoi, cơn đau có thể kéo dài hơn 4 giờ.
Tê tai có thể là dấu hiệu của đột quỵ, đặc biệt nếu có các triệu chứng như khuôn mặt rũ xuống, chân tay yếu, đau đầu dữ dội, đột nhiên khó nhìn từ một hoặc cả hai mắt và khó nói. Nếu nhận thấy các triệu chứng này nên đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.
Nếu cảm giác tê đi kèm với chóng mặt, giảm thính lực hoặc ù tai thì có thể bạn đang mắc bệnh Meniere, một chứng rối loạn ở tai trong. Bệnh Meniere có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng nó thường bắt đầu ở độ tuổi từ 40 đến 60. Người ta cho rằng tình trạng này kéo dài suốt đời.
Nếu bạn bị tê cùng với cảm giác ngứa ran lan sang các chi khác, bạn có thể bị bệnh thần kinh ngoại biên - một tác dụng phụ thường gặp của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh thần kinh ngoại biên cũng có thể do tình trạng tự miễn hoặc viêm, nhiễm trùng, rối loạn mạch máu hoặc khối u.
Những khối u da nhỏ, thịt trên tai từ khi sinh ra, có thể liên quan đến các vấn đề về thận. Vì chúng xuất hiện ngay từ khi sinh ra nên bác sĩ nhi khoa có thể lấy tế bào mụn thịt trên tai để tiến hành một số xét nghiệm sức khỏe thận cho trẻ sơ sinh.
Vân Anh (Tổng hợp)