Nhốt trẻ trong phòng tối gây tổn thương tâm lý
Cập nhật lúc 15:49, Thứ tư, 21/08/2019 (GMT+7)
Bị nhốt vào phòng tối, trẻ sợ hãi nên la hét, đập cửa và cố gắng chạy trốn, gây tác động mạnh đến cảm xúc của bé.
Bị nhốt trong phòng tối để lại cho trẻ nhiều tổn thương tâm lý. Ảnh: Emirates 24/7.
Hình phạt đôi khi là cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số hình phạt có thể đem tới hậu quả khôn lường, ví dụ như nhốt trẻ trong phòng tối.
Theo Pawan Sonar, bác sĩ tâm thần nhi tại Bệnh viện Riddhivinayak ở Mumbai (Ấn Độ), nhốt con trong phòng tối được xem là hình thức trừng phạt không gây tổn thương về mặt thể chất nhưng tác động mạnh đến cảm xúc. "Nó khiến trẻ nghĩ rằng mình không được yêu thương hay cần đến nữa", bác sĩ Sonar lý giải.
Khi bị nhốt vào phòng tối, trẻ rơi vào tình trạng sợ hãi nên khóc lóc, la hét, đập cửa và cố gắng chạy trốn. Các triệu chứng thể chất như đổ mồ hôi đầm đìa, tăng nhịp tim cũng xuất hiện. Trẻ không nghĩ được gì ngoài nhu cầu trốn thoát.
Thường xuyên bị nhốt trong phòng tối khiến trẻ em suy nghĩ tiêu cực, tự ti, gặp ác mộng và bị ám ảnh. Một số ít trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xu hướng tự sát và sử dụng chất kích thích. Trải nghiệm ám ảnh này cũng có thể góp phần hình thành các hội chứng sợ như cleithrophobia (sợ bị mắc kẹt) hoặc claustrophobia (sợ không gian kín), đôi khi kéo dài cả đời.
Joseph Ryan, chuyên gia về giáo dục tại Đại học Clemson (Mỹ) cho biết một bộ phận bố mẹ và thầy cô ở các nước phương Tây vẫn sử dụng hình phạt nhốt trẻ trong phòng tối. Hình phạt này được cho là bắt nguồn từ trường dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt, sau đó lan sang các trường công lập bình thường. Theo ông Ryan, nhốt trẻ trong phòng tối "là cách phản ứng nhanh nhưng không hề hiệu quả về mặt thay đổi hành vi".
Theo bác sĩ Sonar, tốt nhất người lớn không áp dụng hình phạt nhốt trong phòng tối đối với trẻ em. Trường hợp cần cách ly con, bạn chỉ nên yêu cầu bé đứng ở góc phòng.
Theo
vnexpress