Quá trình stress tác động đến cơ thể chúng ta
- Giai đoạn báo động
Các hoạt động tâm lý được tăng cường, đặc biệt là quá trình tập trung chú ý, ghi nhớ và tư duy. Các chức năng sinh lý của cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh giao cảm tăng cường hoạt động, làm tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và trương lực cơ bắp... khi cá thể tiếp xúc với các yếu tố gây stress. Giai đoạn này xảy ra nhanh từ vài phút đến vài giờ. Nếu vượt qua được, các phản ứng ban đầu chuyển sang giai đoạn thích nghi.
- Giai đoạn thích nghi
Đây là giai đoạn sức đề kháng của cơ thể tăng lên, con người có thể làm chủ tình huống stress. Nếu khả năng thích ứng cao, các chức năng tâm sinh lý của cơ thể được phục hồi. Ngược lại, quá trình phục hồi sẽ không xảy ra và cơ thể chuyển sang giai đoạn kiệt quệ.
- Giai đoạn kiệt quệ
Phản ứng với stress trở thành bệnh lý khi tình huống stress bất ngờ, dữ dội vượt quá khả năng thích nghi của cơ thể. Trong giai đoạn này các biến đổi tâm sinh lý tập trung ở giai đoạn báo động xuất hiện trở lại.
Về lâm sàng, phản ứng với stress cấp tính làm người bệnh hưng phấn quá mức cả về tâm lý lẫn cơ thể với các biểu hiện: tăng trương lực cơ làm cho nét mặt căng thẳng, cử chỉ cứng nhắc, có cảm giác đau bên trong cơ thể; rối loạn thần kinh thực vật như nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, huyết áp tăng, khó thở, ngất xỉu, vã mồ hôi, nhức đầu, đau nhiều nơi, nhất là các cơ bắp. Bệnh nhân tăng cảm giác, nhất là thính giác làm cho tiếng động bình thường cũng trở nên khó chịu, dễ nổi cáu, bất an, kích động, rối loạn hành vi...
Tuy nhiên, sự đáp ứng sinh lý này tuỳ thuộc vào sự nhận biết của đương sự về các kích thích có hại và việc người đó có diễn giải các kích thích này là có tính đe doạ hoặc có hại cho họ hay không, cũng như phụ thuộc vào khả năng tiên đoán và kiểm soát các sự kiện có hại.
Thời gian và tần số xuất hiện các tác nhân gây stress cũng được xem là có vai trò trung tâm trong việc xác định những hậu quả tiêu cực của stress đối với sức khoẻ. Yếu tố nhân cách đóng vai trò quan trọng trong cách ứng phó với stress của từng cá nhân. Khi đối đầu với một sự kiện gây stress, con người sẽ cố gắng "hoá giải" sự nguy hại và phòng tránh sự đe doạ bằng những hành động thuộc về nhận thức và hành vi nhằm chế ngự những đòi hỏi của sự kiện được nhận định là có tính gây stress.
Những ảnh hưởng đến tim mạch khi bị stress
Mỗi người sẽ lựa chọn hoặc thích nghi để phù hợp tốt hơn với môi trường hoặc thay đổi môi trường để thích hợp với nhu cầu bản thân của mình. Một kiểu cách đáp ứng cũng phải có sẵn trong "vốn sống" của mỗi người, đó chính là bản lĩnh được sử dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress.
-Căng thẳng tâm lý thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch
Căng thẳng tâm lý được cho là một yếu tố gây bệnh vữa xơ động mạch quan trọng. Những người hiểu biết về stress, có sức khoẻ và tâm lý vững vàng sẽ dễ dàng vượt qua được những tác động của stress và vui tươi trong cuộc sống. Ngược lại, những người có cơ thể ốm yếu, suy sụp, không vượt qua và thích ứng nổi thì dễ phát sinh bệnh tật và có thể bị ảnh hưởng lớn bởi stress, dẫn đến đột tử khi gặp những cú sốc quá lớn trong cuộc đời.
Yếu tố nhân cách đóng vai trò quan trọng trong cách ứng phó với stress của từng cá nhân.
Bên cạnh 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây vữa xơ động mạch là tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và hút thuốc lá, căng thẳng tâm lý cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ quan trọng.
Căng thẳng về tâm lý gây tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và do vậy gây ảnh hưởng xấu đến thành mạch, làm rối loạn tuần hoàn và tăng nguy cơ gây tổn thương các tế bào nội mạc, làm tăng tính thấm của tế bào nội mạch và do vậy làm tăng tăng nguy cơ lắng đọng LDL-C gây hình thành và phát triển vữa xơ động mạch.
- Có thể đột tử vì stress cấp tính
Đột tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến của các bệnh nhân bị vữa xơ động mạch, đặc biệt là vữa xơ động mạch vành. Do vậy tác động tích cực lên quá trình vữa xơ động mạch sẽ làm giảm nguy cơ đột tử. Có giả thuyết cho rằng khi bị căng thẳng về tâm lý cấp tính có thể gây rung thất và đột tử, do kích hoạt hệ thống bảo vệ dẫn đến làm giảm đột ngột trương lực phó giao cảm. Thông qua cơ chế thần kinh phó giao cảm trung ương làm mất sự ổn định về điện học của tim. Trong khi đồng thời làm tăng trương lực thần kinh giao cảm ở tim dẫn đến làm tăng tần số tim, tăng co bóp cơ tim, tăng huyết áp tâm thu và gây thiếu máu cơ tim ở các bệnh nhân có vữa xơ động mạch vành, làm tăng nguy cơ bị rung thất và đột tử.
- Nếu stress diễn ra thời gian quá dài bạn có thể tử vong
Khái niệm stress cơ thể được dùng để chỉ các hiện tượng mất sức hoặc kiệt quệ về sức lực sau một thời gian lao động nặng nhọc kéo dài, hay cơ thể bị nhiễm lạnh, say nắng, say nóng, hay bị nhiễm trùng nặng, bị mất máu nhiều. Stress tâm lý xảy ra sau những cơn sợ hãi, căng thẳng, lo âu hoặc những niềm vui, phấn chấn quá mức chịu đựng của cơ thể...
Khi bạn bị stress, tim đập nhanh, tăng huyết áp, tăng nhịp thở. Máu được phân bố đến các cơ lớn và các quá trình tiêu hoá bị ngừng trệ. Những thay đổi này nhằm chuẩn bị cho cơ thể sinh vật đó thực hiện được những hành động mạnh mẽ nhằm đáp ứng với sự đe doạ: hoặc chống trả hoặc chạy trốn. Sự thay đổi ấy là một khả năng được cài đặt sẵn bên trong cơ thể, tạo ra cơ may sống còn dưới những điều kiện bị đe doạ. Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua sự kích hoạt này. Ngay khi thoát khỏi một tai nạn cận kề, bạn thấy tim mình đập thình thịch, cảm giác nôn nao và lòng bàn tay ướt mồ hôi.
Theo suckhoedoisong.vn