Thời tiết mùa xuân với tiết trời nồm ẩm, mưa phùn, nền nhiệt độ thấp,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển. Trẻ em có sức đề kháng yếu nên rất dễ ốm. Dưới đây là những bệnh trẻ hay mắc khi trời nồm ẩm, giao mùa:

1. Bệnh hô hấp - bệnh trẻ dễ mắc nhất khi trời nồm ẩm

Các bệnh về hô hấp trẻ có thể mắc phải khi trời nồm ẩm là: Dị ứng, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản...

Nhiều phụ huynh thường chủ quan khi thấy trẻ có các dấu hiệu như chảy mũi trong, sốt nhẹ, ho nên thường tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, diễn tiến viêm phổi rất nhanh, có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ nhưng khi con bị khó thở, thở rít đưa đến viện thì đã bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Do đó, khi con bị sốt, ho, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc mà cần đưa trẻ đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Bệnh sởi

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ và thường thành dịch trong thời tiết nồm ẩm, giao mùa. Trẻ rất dễ lây nhau khi tiếp xúc với người bệnh. Tuy đây là căn bệnh lành tính nhưng nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp tử vong.

3. Bệnh thủy đậu

Trời nồm ẩm là điều kiện tốt cho virus Varicella Zoster - virus gây ra bệnh thủy đậu phát triển mạnh và lây lan. Triệu chứng của bệnh này thường là xuất hiện các nốt nhỏ, tròn, mọc khắp cơ thể. Khi trẻ có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi ban hồng và sau đó chuyển dần thành bọng nước, xuất hiện ở cơ thể, đầu, mặt, tay, chân, miệng và cơ quan sinh dục…

4. Bệnh tiêu chảy

Các loại virus như Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.

Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết nồm ẩm

1. Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng thực phẩm

Chế độ dinh dưỡng khoa học luôn là lá chắn sức khỏe cho bé hiệu quả nhất. Mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho con. Trong đó cần những thực phẩm giàu vitamin C, B1, B12, kẽm... tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

2. Luôn khuyến khích trẻ vận động để nâng cao sức khoẻ

Với những trẻ lớn, mẹ nên khuyến khích con vận động mỗi ngày và cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên vào buổi sáng hoặc xế chiều. Cách làm này cũng sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và ít ốm hơn.

3. Giữ cơ thể luôn sạch sẽ

Trẻ thường đổ mồ hôi nhiều khi vận động, vui chơi. Trong tiết trời nồm ẩm, lượng hơi ẩm đó rất dễ ngấm ngược trở lại cơ thể bé khiến con mắc bệnh. Vì vậy mẹ nên chọn quần áo thấm hút mồ hôi tốt cho trẻ. Ngoài ra cầm chăm sóc cơ thể trẻ sạch sẽ bằng cách tắm rửa sạch sẽ cho con hàng ngày.

4. Thực hiện lối sống khoa học

Nên tập cho trẻ chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đúng giờ và đủ giấc. Khi trẻ ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Ngoài ra mẹ cần tạo môi trường sống sạch, vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Gia đình nào có điều kiện thì cần sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy thật khô quần áo để tránh tạo điều kiện nấm mốc phát triển.

Mẹ nên đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà, không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng loại khăn cotton thấm hút nước tốt.

5. Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ

Cần giữ ấm bụng cho trẻ. Trẻ bị lạnh bụng dễ gây đau bụng, bị tiêu chảy hoặc các triệu chứng khác, hạn chế ra ngoài trời, tiếp xúc với nóng - lạnh đột ngột. Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn khô. Nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh. Trẻ vừa ngủ dậy không nên cho trẻ ra ngoài ngay, mặc đủ áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài.

Minh Nhật