Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán nghiện Internet nặng do thời gian dùng máy tính quá nhiều. Khi đó, bệnh nhân cáu kỉnh, hay đập phá, bị biến đổi nhân cách, kết quả học tập sa sút, không giao tiếp với ai. 

"Các yếu tố sinh học, tâm lý của người bệnh cũng biến đổi trầm trọng sau thời gian sử dụng Internet quá dài, không thể khôi phục", bác sĩ nói.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vẫn đi học song không được gia đình quan tâm, giám sát chặt chẽ về sử dụng Internet nên không thể dứt điểm điều trị. Người này trở nên mặc cảm, thu mình, nhái giọng theo tiếng máy tính, phản xạ chậm vì phải dùng thuốc điều trị và phủ nhận lời khuyên của gia đình, bác sĩ, không thể tốt nghiệp hay đi làm.

Bác sĩ cho biết người nghiện Internet bị thay đổi về hành vi, cảm xúc, thủ dâm, bạo lực, trộm cắp, khi đến bệnh viện đều ở trong tình trạng nặng. Nhiều gia đình quan niệm đơn giản về Internet và các thiết bị kết nối mạng. Họ cho rằng điều trị cho người nghiện Internet chỉ cần bỏ vật gây nghiện đi rồi cho uống thuốc ngủ là hết, khiến bệnh nhân không được điều trị đúng, tình trạng rối loạn nặng hơn.

Có những ca bệnh còn gây ám ảnh các bác sĩ điều trị, dù bệnh nhân đã khỏi. 

Ví dụ hai bệnh nhi là chị em ruột, nhà ở Hà Nội. Chị 14 tuổi, em trai 11 tuổi, bố mẹ là thương nhân nên tài chính gia đình khá giả. Bố mẹ mải làm ăn nên thường xuyên để hai con ở nhà làm bạn với chiếc máy tính kết nối mạng. Hậu quả, hai trẻ nghiện Internet nặng, quan hệ tình dục với nhau.

Gia đình đã đưa trẻ đi điều trị tâm lý, song không hiệu quả. Ngược lại, cả chị và em bị rối loạn cảm xúc nặng khi bị tách rời và tách khỏi máy tính. Năm 2014, hai trẻ mới được đưa đến bệnh viện tâm thần, điều trị trong hơn một năm rưỡi, bác sĩ Dũng kể. Bố mẹ các em bán hết nhà đất, gần như phá sản, phải nghỉ việc để chữa bệnh cho con.

Bệnh nhân nam, 24 tuổi, sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nam, cũng được gia đình đưa đến viện chữa bệnh. Anh vừa lên mạng xem vừa quan hệ tình dục, thủ dâm, trộm đồ đạc của bạn bè. Đến khi bệnh nặng hơn, người này bỏ học, bỏ nhà đi lang thang và loạn dục rồi mắc bệnh lậu. Ở nhà, ba người chị và mẹ cũng lây bệnh lậu, phải nhập viện.

Trường hợp đặc biệt khác khiến bác sĩ Dũng không quên. Bệnh nhân là học sinh nam, 15 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc. Em đến viện trong tình trạng cơ thể gầy gò, tóc dài, ngại tiếp xúc với chị ruột và người xung quanh, chỉ đóng cửa ở trong phòng, vào mạng. Gia đình cho biết nam sinh trộm áo lót, quần lót, băng vệ sinh của chị, trộm đồ lót của bạn nữ cùng lớp, chất đầy trong phòng rồi thủ dâm. Bác sĩ chẩn đoán em nghiện Internet, cho nhập viện và điều trị tâm thần 5-6 tháng mới cải thiện tình trạng bệnh.

Bác sĩ khám cho trẻ tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết: "Trong 10 năm trở lại đây, số lượng các ca các rối loạn tâm thần và hành vi, rối loạn cảm xúc sau khi sử dụng Internet tăng lên". Mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị khoảng vài chục ca nghiện Internet, các gia đình đưa người thân đi khám tại khoa tâm thần tăng lên so với trước năm 2010. 

Nghiện Internet ở người lớn và trẻ có triệu chứng chung. Ví dụ, kết quả học tập sa sút, xa lánh mọi người, không ăn không ngủ, tính tình thay đổi, cáu giận, suốt ngày sử dụng mạng, gầy sút, khi bị cho ngừng dùng mạng có thể đập phá, la hét, kích động, xa lánh hoặc ngồi một chỗ thu mình. Ở người lớn, sự biến đổi nhân cách trầm trọng hơn, người nghiện hành xử tương tự con vật, sẵn sàng làm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu.

Vì vậy bác sĩ khuyến cáo gia đình nên đưa người thân đi bệnh viện ngay nếu phát hiện tình trạng liên tục sử dụng mạng gây biến đổi hành vi, nhân cách, ví dụ có xu hướng bạo lực, tấn công người khác hoặc không giao tiếp... Khi được điều trị đúng, người bệnh sẽ phục hồi và trở về con người vốn có. Gia đình không nên có tâm lý e ngại, che giấu bệnh nhân, cho dùng thuốc nam, cúng bái hoặc đưa đi điều trị sai cách, để lại hậu quả thương tâm, không thể đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường. 

Theo vnexpress