Viêm xoang xảy ra do lớp niêm mạc bao phủ xoang bị viêm, dẫn đến cảm giác căng tức, khó chịu cho người bệnh. Nhiễm trùng sẽ gây tích tụ chất nhầy trong xoang, từ đó gây nhức đầu.

Rửa xoang mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp giảm nhức đầu do viêm xoang

Rửa xoang mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp giảm nhức đầu do viêm xoang

SHUTTERSTOCK

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm xoang như dị ứng, cảm lạnh, lệch vách ngăn mũi. Các tình trạng này khiến chất nhầy tràn ngập trong xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Các đợt viêm xoang thường kéo dài 7 đến 10 ngày. May mắn là một số cách áp dụng tại nhà có thể giúp giảm áp lực bên trong xoang, nhờ đó giảm triệu chứng nhức đầu. Một trong những cách hiệu quả nhất là rửa xoang mũi bằng nước muối sinh lý hay dùng thuốc xịt mũi không kê đơn.

Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý là một số loại thuốc xịt mũi, chẳng hạn như Afrin, chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu dùng quá nhiều có khả năng dẫn đến một tình trạng gọi là tắc nghẽn phục hồi, tức là thuốc thay vì làm giảm nghẹt mũi thì lại gây tái phát nghẹt mũi.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng các phương pháp như xông hơi mũi để làm loãng chất nhầy trong xoang và tăng độ ẩm cho đường mũi. Sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể giúp cơn nhức đầu dễ chịu hơn.

Một điều khác người bệnh cần lưu ý là hãy cố gắng ngủ đủ giấc. Vì khi ngủ, cơ thể sẽ tiết ra các hoóc môn hỗ trợ sự phát triển của các mô. Giấc ngủ cũng là khoảng thời gian cơ thể tạo ra các tế bào bạch cầu để chống lại nhiễm trùng và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Khi ngủ, hãy kê đầu cao hơn tim để ngăn ngừa sự tích tụ chất nhầy, nhờ đó giảm áp lực lên xoang. Nếu cơn đau đầu kéo dài thì người bệnh cần đến bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ sẽ xác định liệu cơn đau đầu đó là do viêm xoang hay còn nguyên nhân tiềm ẩn nào khác.

Theo Thanh niên