Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu theo dõi 7.000 đứa trẻ sinh năm 1958 ở Anh, từ lúc mới ra đời cho đến sinh nhật lần thứ 50 vào năm 2008. Các bà mẹ trong khảo sát phải trả lời câu hỏi liệu con của họ có trải qua “giấc mơ xấu hay ác mộng kinh hoàng” trong vòng 3 tháng gần nhất, khi chúng được 7 và 11 tuổi hay không.

Những đứa trẻ gặp ác mộng vào cả hai thời điểm kiểm tra được xếp vào nhóm “ác mộng dai dẳng”. Kết quả cho thấy những người thuộc nhóm “ác mộng dai dẳng” có khả năng bị suy giảm nhận thức cao hơn 76% và khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn 640% so với bạn bè đồng trang lứa. 

 
leftcenterrightdel
 Những cơn ác mộng lúc nhỏ có thể liên quan đến chứng mất trí nhớ khi trưởng thành
Nghiên cứu không biết rõ tại sao những giấc mơ xấu có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng mất trí nhớ và bệnh Parkinson. Dù vậy, các công trình khoa học trước đây đã liên kết ác mộng với những thay đổi trong cấu trúc não và nguy cơ mắc bệnh nhận thức cao hơn. Các nhà khoa học cũng cho biết, ác mộng ban đêm khi còn nhỏ có thể làm gián đoạn giấc ngủ, theo thời gian làm tăng sự tích tụ của các protein gây hại trong não, gây ra chứng mất trí nhớ. 

Abidemi Otaiku - nhà thần kinh học dẫn đầu nghiên cứu - cho biết thêm, một loại gen di truyền với tên khoa học là PTPRJ có liên quan đến những giấc mơ xấu và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Ông kết luận: “Những giấc mơ xấu trong thời thơ ấu có thể báo hiệu nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Parkinson trong cuộc sống sau này. Vì vậy, chúng ta vẫn có cơ hội thực hiện các chiến lược đơn giản để giảm bớt rủi ro”. 

Những biện pháp giúp giảm khả năng gặp ác mộng ở trẻ em như điều chỉnh đèn ngủ, giới hạn thời lượng sử dụng màn hình điện tử, tập thói quen đi ngủ đúng giờ hay ôm thú bông… có thể mang lại những lợi ích lâu dài tuyệt vời cho bộ não của trẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM