Nhiều trường hợp ngưng tim khi chạy bộ, chơi thể thao
Như Thanh Niên đưa tin, tại giải chạy marathon tại Hà Nội diễn ra sáng 14.4, một vận động viên là nam thanh niên 34 tuổi bất ngờ ngã gục khi gần về vạch đích. Thời điểm này, vận động viên có tình trạng ngưng tim, được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ và được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 (Q.Tây Hồ, Hà Nội) cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhân được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai, được kíp cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Bạch Mai tăng cường hỗ trợ trực tiếp tại bệnh viện và được chuyển về điều trị Bệnh viện Bạch Mai trưa 14.4. Bệnh nhân đã có huyết áp trở lại, tuy nhiên, tiên lượng rất nặng do não bị thiếu ô xy lâu.
|
|
Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp ngưng tim, đột tử khi chạy bộ, chơi thể thao |
Trước đó, ngày 23.3, theo thông tin từ ban tổ chức giải chạy Vietnam Ultra Marathon 2024, trong quá trình tham gia giải chạy, một số vận động viên thấy một vận động viên chạy phía trước có dấu hiệu sức khỏe bất ổn nên đã tiến lại gần để giúp đỡ. Sau đó, vận động viên này ngất xỉu. Ngay lập tức, các vận động viên đã báo tin cho ban tổ chức để tiến hành công tác cấp cứu. Dù đã được các y, bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng vận động viên đã không qua khỏi và tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vào sáng 24.3.
Tương tự, nam bệnh nhân V.H.H (39 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) trong lúc đá bóng, khi vừa đỡ bóng bằng ngực, anh đột ngột ngã gục, ngưng tim, được người dân đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng không bắt được mạch, huyết áp không đo được, trên màn hình sinh hiệu ghi nhận nhịp nhanh thất liên tục
Các bác sĩ liên tục hồi sức tim phổi để cứu bằng được tính mạng cho người bệnh. Sau 45 phút hồi sức với tổng cộng 10 lần sốc điện chuyển nhịp, người bệnh đã có dấu hiệu hồi phục tuần hoàn tự nhiên.
Chú ý các triệu chứng trong và sau khi chơi thể thao
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tất Khánh Dương, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết tập thể dục thể thao được coi là biện pháp tốt giúp duy trì sức khỏe, tuy nhiên cần phải biết cách tập luyện phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân nhằm phòng tránh nguy cơ dẫn đến đột tử khi đang tập luyện, đặc biệt đối với những người vận động không thường xuyên hoặc có bệnh tim mạch.
|
|
Cần phải biết cách tập luyện phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân nhằm phòng tránh nguy cơ dẫn đến đột tử khi đang tập luyện |
Đa số các trường hợp đột tử trong khi tham gia thể thao thường xuất phát từ các nguyên nhân như người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc, ít vận động, căng thẳng hoặc tiền sử về đột quỵ, đặc biệt là ở nam giới và những người trẻ, thường là do bệnh tim cấu trúc hoặc di truyền. Nguyên nhân chính gây đột tử là loạn nhịp tim. Với người trên 35 tuổi, khả năng cao là do xơ vữa động mạch vành. Còn với người dưới 35 tuổi thường là bệnh di truyền như bệnh cơ tim, các rối loạn hệ dẫn truyền trong tim…
Nguy cơ đột tử ở người chơi thể thao không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, mà còn liên quan đến loại hình hoạt động thể chất và cường độ tập luyện. Những người tham gia tập luyện với cường độ cao nhưng không đều đặn, thường có nguy cơ ngưng tim cao hơn so với những người tập luyện thường xuyên.
"Hơn nữa, thể trạng mỗi người không giống nhau, mỗi người cần biết những bệnh lý tiềm ẩn để xây dựng chế độ luyện tập phù hợp, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Trường hợp xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đánh trống ngực… trong và sau khi chơi thể thao, cần đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch kiểm tra càng sớm càng tốt", bác sĩ Dương nhấn mạnh.
Phòng ngừa nguy cơ đột tử khi chơi thể thao
Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Trung Tín, bác sĩ nhịp học (Đơn vị Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định), cho biết đột tử liên quan đến vận động thể thao là một vấn đề rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Để phòng ngừa đột tử, người tham gia các môn thể thao cần hiểu về sức khỏe tim mạch của bản thân, biết được các bệnh lý tim mạch mình đang có, đặc biệt quan trọng khi trong gia đình có thành viên đột tử do tim hoặc không rõ nguyên nhân.
|
|
Cẩn trọng khi có dấu hiệu mệt mỏi, chóng mặt... khi đang vận động |
"Bên cạnh đó, khi các triệu chứng đau tức ngực, chóng mặt, khó thở… xuất hiện khi đang vận động thể lực, dù ở cường độ nào, chúng ta cũng nên đến bệnh viện để tầm soát các bất thường tim mạch và xin lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa về việc lựa chọn môn thể thao phù hợp tình trạng sức khỏe và tình trạng bệnh lý", bác sĩ Tín chia sẻ.
Cùng quan điểm, bác sĩ Dương cho biết, nhiều nghiên cứu đã chứng minh tập thể dục hoặc chơi thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe giúp kéo dài đời sống, giảm tử vong do bệnh tật. Nhưng ở một số cá nhân đặc biệt, việc tập thể dục hoặc chơi thể thao có thể là yếu tố khởi phát gây đột tử, thường xảy ra ở người trước giờ ít vận động hoặc có bệnh tim mạch trước đó mà không được phát hiện. Nguy cơ này khác nhau tùy theo độ tuổi, tình trạng bệnh tim mạch và môn thể thao tham gia. Tỷ lệ ngưng tim tăng cao ở người tập luyện với cường độ mạnh, đặc biệt ở người tập không thường xuyên.
"Vì vậy cần tầm soát và tư vấn trước khi chơi thể thao nhằm phát hiện những bất thường có thể gây đột tử trong lúc tập luyện, đặc biệt ở người lớn tuổi, người mới bắt đầu luyện tập hay chơi môn thể thao cường độ mạnh, hoặc tham gia thi đấu các cuộc thi. Với mỗi độ tuổi sẽ có những hướng dẫn cụ thể về thể loại, thời gian và cường độ tập phù hợp", bác sĩ Dương khuyến cáo.
Theo Thanh niên