Các triệu chứng đặc trưng của hen phế quản
Cơn hen xảy ra khi phế quản của người bệnh tiếp xúc với các yếu tố kích thích, chính vì vậy, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Biểu hiện qua các triệu chứng như khó thở, cò cứ, nặng ngực, ho… diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.
Các biểu hiện đặc trưng là:
- Người bệnh khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt thì thở ra. Cơn khó thở thường về đêm, theo mùa, sau một số kích thích như cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi.
- Ở một số người bệnh trước khi vào cơn hen có thể có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ...
Với đặc trưng cơn khó thở lúc bắt đầu chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cứ người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5 - 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày và giảm dần, rồi kết thúc với ho và khạc đờm. Người bệnh có đờm thường trong, quánh, dính… khi khám trong cơn hen thấy có ran rít, ran ngáy lan tỏa 2 phổi.
Những lưu ý trong chăm sóc và cách xử trí đúng
Việc điều trị thuốc liều lượng như thế nào tùy thuộc vào tuổi, bệnh lý, tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể. Người bệnh phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị và tránh các yếu tố nguy cơ.
Xử trí khi xuất hiện cơn hen phế quản cấp
- Phải luôn mang theo bình thuốc cắt cơn khó thở dù ở bất cứ đâu. Để đạt được hiệu quả điều trị, cần sử dụng đúng cách thuốc dự phòng và cắt cơn hen, người bệnh không tự ý ngừng thuốc, giảm liều, tăng liều. Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu của cơn hen, việc cần làm đầu tiên với người bệnh là tránh xa những yếu tố khởi phát như phấn hoa, lông thú vật, khói thuốc lá, mùi hóa chất… và tìm một nơi thoáng đãng để ngồi.
- Bước tiếp theo là sử dụng thuốc để cắt cơn. Loại thuốc bệnh nhân thường được bác sĩ kê cho dùng để cắt cơn khó thở là những thuốc giãn phế quản, tác dụng nhanh như Ventolin hoặc Berodual.
- Nếu người bệnh xuất hiện cơn hen phế quản nhẹ: Xịt hít 2 nhát/lần. Sau 20 phút, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát. Sau 20 phút nữa, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát nữa và cần nhập viện.
Nếu người bệnh xuất hiện cơn hen phế quản nặng: Với biểu hiện lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, nói không hết được nguyên câu, thở dốc: Xịt hít thuốc cắt cơn và đưa ngay bệnh nhân vào bệnh viện gần nhất.
- Nếu người bệnh xuất hiện cơn hen phế quản đe dọa tính mạng: Với biểu hiện tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được: Gọi ngay xe cấp cứu, trong thời gian chờ đợi xe phải xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn.
Ở những bệnh nhi hoặc những bệnh nhân lớn tuổi mà hít dụng cụ khó thành công, có thể sử dụng buồng đệm hỗ trợ.
Người bị hen phế quản phải luôn mang theo bình thuốc cắt cơn khó thở dù ở bất cứ đâu. Ảnh minh hoạ
Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh hen phế quản
Điều trị hen phế quản là một quá trình liên tục, lâu dài, người bệnh chỉ nhập viện điều trị khi có cơn hen cấp, còn phần lớn thời gian là điều trị ngoại trú. Do đó, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại nhà có vai trò đặc biệt quan trọng. Dưới đây là những lưu ý:
- Cần vỗ rung lồng ngực cho bệnh nhân: Ở tình trạng co thắt phế quản nên thường có sự ứ đọng dịch tiết trong đường hô hấp của bệnh nhân. Vì vậy, hàng ngày cần thường xuyên vỗ rung lồng ngực để kích thích phản xạ của đường hô hấp, tống đờm dãi ra ngoài.
- Cần nâng cao thể trạng qua dinh dưỡng: Vấn đề dinh dưỡng với bệnh nhân là vô cùng quan trọng, đây là cơ sở để nâng cao thể trạng của bệnh nhân và hỗ trợ cho quá trình điều trị hen. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, người bệnh cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn nên được chế biến dưới các dạng dễ sử dụng như cháo, súp...
- Bổ sung tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin như rau, củ, quả... Nên hạn chế các loại thức ăn dễ gây dị ứng và khởi phát cơn hen như hải sản, thức ăn lạ và thực phẩm có tính kích thích như rượu bia, cafe...
- Chế độ luyện tập: Việc tập luyện giúp người bệnh duy trì sự dẻo dai, tùy thuộc vào mức độ hen của bệnh nhân để lựa chọn hình thức luyện tập. Trước khi luyện tập nên có sự tư vấn của các bác sĩ về cường độ và thời gian luyện tập thích hợp. Người bệnh không nên quá gắng sức khi luyện tập thể dục, bởi sự gắng sức có thể là yếu tố khởi phát cơn hen cấp tính. Có thể các bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng liều thuốc dự phòng trước khi luyện tập, để tránh tái phát dự phòng hen.
- Ngoài ra, người thân của người bệnh cần động viên tinh thần, tránh để cho bệnh nhân lo sợ, hồi hộp, vui mừng... vì những điều này có thể khiến cơn hen cấp tính xảy ra. Vì vậy, cần chăm sóc tinh thần cho người bệnh để làm giảm lo lắng, áp lực và các vấn đề tâm lý bệnh nhân mắc phải.
Người bệnh không nên quá gắng sức khi luyện tập thể dục, bởi sự gắng sức có thể là một yếu tố khởi phát cơn hen cấp tính. Ảnh minh hoạ.
Tóm lại: Hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống và làm việc. Vì vậy, người bệnh phải chú ý giữ gìn sức khỏe, cần mặc ấm, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh thời tiết lạnh vì sẽ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm... làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.
Việc chăm sóc và điều trị hen phế quản tại nhà là một quá trình phức tạp, có ý nghĩa quan trọng trong điều trị kiểm soát hen. Vì vậy, người thân và bệnh nhân bệnh hen phế quản cần phải có chế độ, kế hoạch phòng ngừa và điều trị bệnh hen theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh cần tránh các yếu tố khiến mình lên cơn khó thở, vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Luôn chú ý đến các dấu hiệu xuất hiện cơn khó thở cấp tính và phải luôn mang bên mình thuốc cắt cơn khó thở.
Theo suckhoedoisong.vn