Không kiểm soát căng thẳng

Thông tin từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho hay mặc dù căng thẳng không trực tiếp dẫn đến ung thư, nhưng phản ứng của cơ thể chúng ta đối với quá trình căng thẳng, chẳng hạn như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh và lượng đường trong máu tăng cao - lại có thể dẫn đến ung thư nếu không được kiểm soát sớm, theo tạp chí Best Life.

Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra mối liên hệ giữa căng thẳng tâm lý và ung thư. Những người bị căng thẳng mãn tính thường có nhiều thói quen gây hại cho sức khỏe như hút thuốc, ăn quá nhiều, ít vận động và lạm dụng rượu. Đây đều là những yếu tố nguy cơ trực tiếp dẫn đến ung thư.

Những điều không ngờ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư - Ảnh 1.

Phản ứng của cơ thể chúng ta đối với quá trình căng thẳng lại có thể dẫn đến ung thư

SHUTTERSTOCK

Không uống đủ nước

Uống đủ nước giúp cơ thể chúng ta hoạt động bình thường. Theo Trung tâm y tế học thuật Cleveland (trụ sở tại Mỹ), thói quen này cũng giúp làm loãng các chất có hại trong nước tiểu, từ đó giúp hạn chế khả năng khởi phát ung thư bàng quang.

Vệ sinh răng miệng sơ sài

Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên là điều cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ hồi năm 2018 chỉ ra rằng bệnh nướu răng có liên quan đến khả năng gia tăng 24% nguy cơ hình thành ung thư phổi và ung thư đại trực tràng. Do đó, bạn cần quan tâm hơn đến sức khỏe răng miệng.

Ngồi quá nhiều

Trong một đánh giá thực hiện hồi năm 2014 được xuất bản bởi tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học Đức đã phân tích dữ liệu từ 43 nghiên cứu và phát hiện ra rằng cứ thêm 2 giờ ngồi một chỗ mỗi ngày, nguy cơ mắc ung thư ruột kết, ung thư nội mạc tử cung và ung thư phổi của một người tăng lên lần lượt là 8%, 10% và 6%, so với người bình thường.

Làm ca đêm

Một nghiên cứu thực hiện hồi năm 2013 được công bố trên Tạp chí Y học Anh cho thấy rằng thường xuyên làm xuyên đêm có thể dẫn tới nguy cơ mắc ung thư vú. Nguyên nhân của tình trạng này là do để ức chế melatonin.

Cụ thể, đây là loại hormone được sản xuất bởi não bộ, góp phần điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ, cũng như rất hữu ích trong việc ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Thiếu ngủ làm giảm đáng kể số lượng melatonin trong cơ thể, khiến chúng ta mệt mỏi, và tạo cơ hội cho các khối u phát triển.

Theo Thanh niên