Theo Cẩm nang lần đầu làm mẹ và nuôi con, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, các mẹ bầu thường gặp 1 số vấn đề gây khó chịu, hầu hết là do sự thay đổi của nội tiết tố và căng thẳng của cơ thể. Các vấn đề này sẽ đều có hướng giải quyết dễ dàng.

Ốm nghén

Các dấu hiệu về nghén rất khác nhau giữa các bà bầu, với những biểu hiện chính là buồn nôn, nôn, buồn ngủ, mệt mỏi, đau đầu, táo bón, dị ứng với mùi, thay đổi khẩu vị,...

Một trong những nguyên nhân chính là do lượng đường huyết thấp, nên cơ thể cần nhiều carbohydrate. Thai phụ có thể thường xuyên ăn một lượng ít thức ăn như một mẩu bánh mì nướng, một cái bánh quy giòn hoặc bánh quy thường giúp làm dịu dạ dày. Uống nước có chứa gừng tự nhiên. Tránh những thứ gây buồn nôn, chẳng hạn như thức ăn có mùi, chuyển động hoặc tiếng ồn. Tránh bị quá nóng. Đừng căng thẳng khi cảm thấy buồn nôn. Thai phụ nên ngồi xuống và thư giãn có thể sẽ giúp cảm thấy tốt hơn.

Những khó chịu mẹ bầu thường gặp trong thai kỳ - Ảnh 2.
 

Ốm nghén là tình trạng thường gặp trong thai kỳ.

Nếu ốm nghén ở mức độ vừa phải, chịu đựng được thì các bà mẹ không cần quá lo lắng, nhưng nếu ốm nghén nặng khiến bạn nôn nhiều, mất nước, suy nhược cơ thể thì cần phải đi khám ngay.

Chuột rút

Sự phát triển của thai nhi làm cho tử cung to dần, tạo ra áp lực lên nửa thân dưới của bạn máu kém lưu thông. Do đó, bạn dễ bị chuột rút ở chân khi xoay người lúc ngủ hoặc khi duỗi nhanh cẳng chân. Khi chân bị chuột rút, hãy duỗi thẳng cẳng chân, hướng các ngón chân về phía trước bàn chân hoặc nhẹ nhàng xoa bóp toàn bộ bàn chân. Thiếu các vi chất như vitamin D, canxi, magie, hoặc không tập thể dục thường xuyên cũng có thể gây ra chuột rút ở chân. Vì vậy, hãy chú ý ăn thực phẩm giàu canxi, tắm nắng và thường xuyên tập các bài tập thể dục dành cho thai phụ.

Xuống máu chân

Giai đoạn từ cuối của thai kỳ, lượng máu trong cơ thể tăng thêm kèm theo chèn ép do thai phát triển to trong tử cung nên thai phụ thường bị phù do ứ trệ tuần hoàn ở nửa dưới cơ thể, đặc biệt là hai chân, dân gian thường gọi là hiện tượng "xuống máu". Tập thể dục và thực hiện các động tác kéo giãn rất có hiệu quả trong việc thúc đẩy lưu thông máu. Nếu ấn vùng da bị phù thấy có bị lõmthì bạn cần giữ ấm chân và kiểm tra xem có ăn mặn quá không và điều chỉnh chế độ ăn giảm muối. Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sỹ về tình trạng phù của mình trong những lần khám tiếp theo để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có.

Một số thai phù thấy phù chân, điều này là do cơ thể thai phụ đang giữ nước, đây là một tình trạng thường gặp và sẽ nặng hơn khi thai phụ đứng lâu. Điều quan trọng cần nhớ: Hạn chế nước không phải là vấn đề then chốt giúp ngăn ngừa phù nề. Thai phụ nên uống 2 lít nước mỗi ngày và nên hạn chế uống trà, cà phê, coca vì lượng caffeine trong những đồ uống này sẽ ảnh hưởng đến vitamin trong thực phẩm, đặc biệt là vitamin C. Một số thai phụ cũng sẽ thấy đỡ hơn khi ăn ít muối và bột ngọt.

Lưu ý cần phân biệt "xuống máu chân" và phù do các nguyên nhân bệnh lý: Nếu bạn thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến khám ngay tại cơ sở y tế. Nếu bác sỹ phát hiện phù có kèm theo tăng huyết áp và/hoặc có protein trong nước tiểu, bạn có thể đã bị tăng huyết áp thai kỳ và có nguy cơ tiền sản giật, sản giật, một biến chứng nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi.

Thiếu máu hoặc giảm huyết áp khi đứng

Thai nhi hấp thụ sắt từ cơ thể mẹ nên thai phụ rất dễ bị thiếu máu. Tích cực ăn thức ăn giàu sắt, uống bổ sung viên sắt – a xít folic là giải pháp tốt nhất để phòng chống thiếu máu. Ngoài ra, ăn nhiều rau quả có vitamin C sẽ giúp cho quá trình hấp thụ sắt và tạo máu tốt hơn. Do nồng độ máu loãng, thiếu oxy nên có thể dẫn đến tình trạng giảm huyết áp, mất cân bằng hoặc ngã khi bất ngờ chuyển tư thế đứng. Do vậy không nên thay đổi tư thế đột ngột, hãy làm việc nhẹ nhàng và dichuyển một cách từ từ.

Rạn da

Vết rạn da xuất hiện khi da bị kéo căng để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của thai nhi tác động đến bụng và ngực trong thai kỳ.

Các vết rạn da khi mang thai thường xuất hiện khi mẹ tăng cân nhanh hơn so với mức co dãn của da. Vị trí mẹ thường bị rạn da nhiều là ở vùng bụng, ngực, mông, đùi hoặc bắp chân. Các vết rạn sẽ có màu tím, đỏ, hay trắng tùy vào cơ địa của từng người. Chúng sẽ chuyển thành màu xám, đen hoặc đỏ sau khi sinh.

Rạn ra không cố định thời gian xảy ra trên mẹ bầu mà thời gian xuất hiện các vết rạn sớm hay muộn hoặc không có tùy vào cơ địa của mỗi người. Đa số, khoảng 90% mẹ bầu gặp phải tình trạng rạn da khi bước vào tháng thứ 6 – 7 của thai kỳ. Các vết rạn sẽ lớn dần theo tuổi thai và theo cân nặng của mẹ nếu mẹ tăng cân nhanh.

Tránh bị rạn da bằng cách dùng kem hoặc dầu dành cho trẻ em xoa vào bụng ngay từ những giai đoạn đầu mang thai, khi bụng vẫn còn nhỏ.

Táo bón

Thường gặp ở nhiều phụ nữ có thai, đặc biệt là vào cuối thai kỳ. Táo bón gây nhiều phiền phức cho các chị em, nhẹ thì chán ăn, mất thăng bằng chức năng dạ dày ruột, nặng có thể dẫn tới nhiễm độc. Khắc phục bằng cách nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây còn nguyên vỏ, rau, các loại chất xơ càng nhiều càng tốt và cần hình thành thói quen hàng ngày đi đại tiện đúng giờ.

Tiểu lắt nhắt

Tiểu lắt nhắt làm cho bạn khó chịu, mất ngủ, mệt mỏi. Nguyên nhân thường là do thai to chèn ép vào bàng quang, tuy nhiên cũng có thể do viêm nhiễm đường tiết niệu. Do vậy nếu thấy đái rắt kèm đau bụng dưới, cảm giác nóng rát mỗi khi đi tiểu hoặc có thể sốt, bạn cần đi khám.

Ngoài ra thai phụ có thể gặp một số triệu chứng như tăng tiết dịch âm đạo, ra khí hư. Nguyên nhân là sau khi thụ thai dưới sự hoạt động của hóc môn sinh dục nữ progesteron, lượng dịch tiết ra từ âm đạo nhiều hơn đồng thời môi trường pH âm đạo thay đổi khiến chị em dễ bị viêm âm đạo do nấm, Clamydia.... Nếu đang trong thai kỳ, bạn thấy có ra khí hư âm đạo thì cần đi khám phụ khoa để được tư vấn và điều trị sớm.

Theo suckhoedoisong.vn