Rối loạn cương dương có nghĩa là trong hơn 2/3 những lần cố gắng quan hệ một người đàn ông không thể có được hoặc duy trì sự cương cứng đủ để quan hệ tình dục. Rối loạn cương dương thường có nguyên nhân vật lý, chẳng hạn rối loạn tuần hoàn. Sự thiếu hụt testosterone cũng có thể là một yếu tố gây nên tình trạng này.
Trị liệu thường được thực hiện bằng thuốc, được gọi là thuốc ức chế phosphodiesterase-5 (thuốc ức chế PDE-5). Nhưng bạn còn có những lựa chọn điều trị khác.
Trong số những người từ 40 đến 49 tuổi, gần 1/10 nam giới bị ảnh hưởng bởi rối loạn cương dương. Tỷ lệ nam giới bị rối loạn cương dương trong số những người từ 60 đến 69 tuổi là 1/3. Điều này đã được thể hiện bởi một nghiên cứu của Đại học Cologne (Đức) vào năm 2000.
Các nghiên cứu khác ở nhiều quốc gia cũng đưa ra kết quả tương đương. Các chuyên gia nghi ngờ rằng có một số lượng lớn trường hợp không được báo cáo. Vì vậy, con số thực tế có thể còn cao hơn.
Nguyên nhân của rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương có thể do yếu tố tâm lý hoặc sinh lý gây ra. Nguyên nhân tâm lý thuần túy chủ yếu được tìm thấy ở những người đàn ông trẻ tuổi. Ngoài các xung đột trong quan hệ tình cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm cũng rất thường dẫn đến rối loạn cương dương. Ngược lại, ở nam giới trên 50 tuổi, chủ yếu là nguyên nhân vật lý gây ra rối loạn cương dương.
Rối loạn tuần hoàn máu
Việc lưu thông máu đến dương vật không đủ vì các động mạch cung cấp bị vôi hóa. Nguyên nhân khác là máu thoát quá nhanh qua các tĩnh mạch. Trong mọi trường hợp, lượng máu trong thể hang của dương vật không còn đủ để cương cứng như ý.
Các bệnh lý khác cũng thúc đẩy rối loạn tuần hoàn, làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương như đái tháo đường, huyết áp cao, rối loạn lipid máu.
Lối sống cũng có ảnh hưởng như người hút thuốc, béo phì, lười vận động, chế độ ăn uống không cân bằng và lành mạnh, gây áp lực lên mạch máu, tăng khả năng mắc phải rối loạn cương dương.
Thiếu hụt testosterone
Mức độ đủ cao của hormone sinh dục nam testosterone là điều kiện tiên quyết để có được sự cương cứng như ý. Theo tuổi tác, nồng độ testosterone trong máu thường giảm xuống ở nam giới. Do đó, mức testosterone thấp nên được coi là nguyên nhân gây bệnh có thể cần được cân nhắc trong quá trình điều trị.
Tác dụng phụ của thuốc
Nhiều loại thuốc có thể gây rối loạn chức năng cương dương như một tác dụng phụ. Tác dụng phụ này được biết đến với hơn 200 loại thuốc và thường được liệt kê trong tờ hướng dẫn sử dụng.
|
|
Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn thuốc trước khi uống. Ảnh: Shutterstock |
Các loại thuốc quan trọng là:
- Một số loại thuốc tim, ví dụ thuốc làm giảm huyết áp. Nhiều loại thuốc trong số này can thiệp vào hệ thần kinh, có thể dẫn đến rối loạn cương.
- Một số loại thuốc tim, ví dụ thuốc làm giảm huyết áp. Nhiều loại thuốc trong số này can thiệp vào hệ thần kinh, có thể dẫn đến rối loạn cương.
- Thuốc chống đái tháo đường.
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc an thần, thuốc hướng thần, thuốc chống trầm cảm: Rối loạn chức năng tình dục thường được kích hoạt khi dùng thuốc chống trầm cảm hệ serotonergic - chẳng hạn citalopram, sertraline, venlafaxine hoặc paroxetine.
Các loại thuốc như amineptine, bupropion, agomelatine hoặc moclobemide, ít gây rối loạn chức năng tình dục hơn. Thuốc chống loạn thần cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tình dục. Rối loạn rất phổ biến ở những người dùng haloperidol, thiorizadine, clozapine hoặc risperidone. Aripripazole, quetiapine và ziprasidone, ít gây rối loạn khả năng sinh lý hơn.
- Thuốc dùng để điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Đặc biệt, chất ức chế 5-alpha-reductase (hoạt chất: Finasteride, dutasteride) can thiệp vào sự cân bằng hormone, lâu dài dẫn đến thay đổi mô ở dương vật. Những thay đổi mô này dẫn đến rối loạn chức năng cương dương.
- Chất kích thích, ma túy.
- Thuốc dùng để điều trị ung thư.
Nếu có ghi chú trong thông tin thuốc và nghi ngờ rằng có thể là tác nhân gây rối loạn cương dương, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi sang loại khác ít tác dụng phụ hơn. Người dân không được tự ý ngừng hoặc thay đổi thuốc khi đang trong quá trình điều trị.
Điều quan trọng là luôn phải đi khám bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây rối loạn cương dương. Trong nhiều trường hợp, cả do thuốc và những thay đổi về thể chất kết hợp với tình trạng bệnh tiềm ẩn dẫn đến tình trạng liệt dương lâu dài.
Các nguyên nhân khác
Để xảy ra sự cương cứng, không chỉ lưu lượng máu đến dương vật phải đúng. Tất cả đường dẫn thần kinh liên quan - từ dương vật, tủy sống đến não - cũng phải còn nguyên vẹn. Đĩa đệm bị thoát vị, chấn thương, xạ trị hoặc phẫu thuật ở vùng chậu hoặc trên tủy sống cũng có thể dẫn đến rối loạn cương dương.
Tương tự, các bệnh có thể gây tổn thương các dây thần kinh ngoại như đái tháo đường hoặc lạm dụng rượu mạn tính, các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh mất trí nhớ Alzheimer hoặc đột quỵ) cũng có thể là nguyên nhân.
Triệu chứng
Các dấu hiệu cho thấy bệnh có nguyên nhân sinh lý:
- Rối loạn cương dương phát triển dần dần.
- Bệnh xảy ra cả khi giao hợp với bạn tình và khi thủ dâm.
Các dấu hiệu cho thấy bệnh có nguyên nhân tâm lý:
- Rối loạn cương dương xảy ra đột ngột, có thể sau những biến cố căng thẳng trong cuộc sống.
- Rối loạn cương dương thường chỉ xảy ra trong một số tình huống nhất định.
- Đàn ông trẻ hơn 50 tuổi.
|
|
Trong số những người từ 40 đến 49 tuổi, gần 1/10 nam giới bị ảnh hưởng bởi rối loạn cương dương. Ảnh minh họa: Gettyimages |
Đầu mối liên hệ đầu tiên cho bệnh nhân thường là bác sĩ đa khoa. Nếu cần, bác sĩ đa khoa có thể giới thiệu bạn đến phòng khám chuyên khoa thích hợp - thường là chuyên khoa tiết niệu. Tùy thuộc vào nguyên nhân, các chuyên gia từ ngành khác cũng có thể tham gia vào quá trình điều trị, (ví dụ như thần kinh học, tâm lý trị liệu, tâm lý học và nam học hoặc liệu pháp tình dục).
Trong quá trình khám bệnh, các bác sĩ sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân cụ thể bằng một bảng câu hỏi tiêu chuẩn về tiền sử bệnh và loại thuốc bệnh nhân đang dùng. Các xét nghiệm ở bộ phận sinh dục và tuyến tiền liệt cũng được thực hiện. Bởi nhiều vấn đề về cương cứng là do rối loạn tuần hoàn, các mạch máu ở tay và chân cũng như huyết áp cũng được kiểm tra.
Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng được thực hiện giúp cấp thông tin về các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra như lượng đường trong máu hoặc mức lipid máu quá cao. Kết quả xét nghiệm máu cũng có thể xác định được có bị thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nam testosterone hay không.
Một số rất ít trường hợp bác sĩ cần kiểm tra thêm lưu lượng máu trong các mạch máu của dương vật bằng cuộc kiểm tra siêu âm đặc biệt (siêu âm Doppler). Để làm điều này, bác sĩ sử dụng các xung điện yếu và kiểm tra xem liệu tín hiệu này có được dây thần kinh truyền đi như mong đợi hay không.
Rối loạn cương dương có thể được ngăn ngừa?
Lối sống lành mạnh sẽ làm giảm nguy cơ rối loạn tuần hoàn. Qua đó, chúng cũng giảm việc bị rối loạn cương dương. Những yếu tố sau đây sẽ giúp ích cho việc phòng ngừa bệnh:
- Không hút thuốc
- Chế độ ăn uống cân bằng
- Uống ít rượu
- Vận động nhiều
- Giảm trọng lượng dư thừa
- Theo dõi thường xuyên huyết áp, lượng đường trong máu, lipid máu và điều trị các rối loạn về máu kịp thời.
Theo Zing