Tăng huyết áp không được điều trị có thể làm tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch và gây tổn thương các cơ quan. Những ảnh hưởng lâu dài của huyết áp cao bao gồm:
- Lưu thông máu kém
- Suy tim, đau tim
- Đột quỵ
- Tổn thương thận và các cơ quan khác...
Điều trị tăng huyết áp có thể làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề này và thuốc có thể làm giảm huyết áp hiệu quả. Theo nghiên cứu, thuốc trị tăng huyết áp có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm từ 20 - 30%, so với ban đầu của cá nhân.
Khi chọn thuốc hạ huyết áp, bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như:
- Tuổi, giới tính
- Mức độ nghiêm trọng của huyết áp cao
- Sự hiện diện của các bệnh lý khác, như bệnh tiểu đường, cholesterol trong máu cao...
- Các tác dụng phụ có thể xảy ra
- Chi phí của các loại thuốc...
Nhiều bệnh nhân có thể cần hai hoặc nhiều loại thuốc để đạt được mục tiêu điều trị huyết áp. Hầu hết bệnh nhân đều dung nạp được thuốc theo chỉ định.
Tuy nhiên, thuốc có thể gây bất lợi ở một số người dùng. Nếu gặp các tác dụng phụ, bác sĩ có thể điều chỉnh liều hoặc thay thế một loại thuốc khác.
Người bệnh cần dùng thuốc đều đặn hằng ngày để kiểm soát huyết áp.
1. Thuốc ức chế men chuyển ACE
Thuốc ức chế ACE ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone của cơ thể chịu trách nhiệm điều chỉnh mức huyết áp. Thuốc ngăn chặn một loại enzym đặc biệt có vai trò tạo ra angiotensin, một loại hormone làm tăng huyết áp.
Các thuốc ức chế ACE thường được kê đơn bao gồm: Benazepril, captopril, fosinopril, lisinopril, moexipril, quinapril, ramipril...
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc ức chế men chuyển là ho khan. Các tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm suy giảm vị giác và phát ban trên da.
Phụ nữ mang thai không nên dùng thuốc ức chế men chuyển vì có thể gây hại cho thai nhi.
Với nhiều loại thuốc hạ huyết áp hiện có, bệnh huyết áp cao có thể được kiểm soát.
2. Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta làm giảm huyết áp bằng cách làm chậm nhịp đập và bảo vệ tim khỏi các hormone căng thẳng. Có nhiều nhóm thuốc chẹn beta khác nhau. Loại thuốc chẹn beta nào phù hợp sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân và có các bệnh lý khác đi kèm hay không.
Các loại thuốc chẹn beta phổ biến bao gồm: Metoprolol, acebutolol, atenolol, betaxolol, bisoprolol, nadolol, nebivolol…
Nếu đang dùng thuốc chẹn beta và muốn ngừng cần được sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Dừng đột ngột có thể làm tăng huyết áp đột ngột gây nguy hiểm.
Các tác dụng phụ của thuốc chẹn beta có thể bao gồm co thắt đường hô hấp dưới, đặc biệt là phế quản có thể dẫn đến khó thở. Vì lý do này, thuốc chẹn beta không thích hợp cho những người bị hen suyễn.
3. Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu là loại thuốc giúp loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể. Thuốc ảnh hưởng đến cách hoạt động của thận và dần dần làm giảm áp lực trong mạch máu.
Các thuốc lợi tiểu điển hình bao gồm: Hydrochlorothiazide, chlorothiazide, indapamide...
Các tác dụng phụ có thể bao gồm cảm giác muốn đi tiểu nhiều và đi tiểu nhiều hơn trong vài ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, liều dùng ban đầu thường thấp nên bất lợi này thường nhẹ.
Nếu cơ thể mất quá nhiều chất lỏng, có thể bị khô miệng, yếu cơ. Để hạn chế điều này, cần uống đủ nước, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng hoặc sau khi tập thể thao. Những người lớn tuổi đang dùng thuốc lợi tiểu nên đặc biệt cẩn thận về mặt này. Thuốc lợi tiểu không thích hợp cho những người bị bệnh gout.
4. Thuốc chẹn canxi
Thuốc chẹn canxi làm giãn nở các mạch máu giúp máu dễ lưu thông, do đó làm giảm huyết áp. Các thuốc chẹn kênh canxi phổ biến bao gồm: Nifedipin, diltiazem, amlodipin, verapamil...
Các tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh canxi có thể bao gồm đỏ bừng mặt, phát ban trên da, nhịp tim nhanh, sưng ở mắt cá chân. Một số thuốc chẹn kênh canxi không thích hợp cho những người có nhịp tim không đều hoặc táo bón.
5. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin
Thuốc ngăn chặn tác động của angiotensin, một loại hormone làm tăng huyết áp. Các thuốc phổ biến trong nhóm thuốc này là: Valsartan, olmesartan, losartan...
Tác dụng phụ của thuốc tương tự như tác dụng phụ của thuốc ức chế ACE, nhưng ho ít phổ biến hơn. Thuốc không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Theo suckhoedoisong.vn