Dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm
Một số người thường bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh nên thường đến viện trong tình trạng đã nặng. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm:
- Đau nhức tay hoặc chân, có những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, cổ và chân tay. Đau có thể âm ỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng hoặc rất dữ dội, đau nặng hơn khi vận động, đi lại, giảm đau khi nghỉ một chỗ.
- Có cảm giác đau nhức, tê bì vùng thắt lưng, vùng cổ sau đó dần dần phát triển xuống mông, đùi, cẳng chân và gót chân. Yếu cơ, khó có thể đi lại vận động, dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt các chi phải ngồi xe lăn.
- Tình trạng mất cảm giác tại các vùng gọi là "yên ngựa" trên cơ thể như bắp đùi trong, phía sau chân, vùng quanh hậu môn.
Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng như:
- Nguy cơ bị liệt nửa người hoặc bại liệt cả người.
- Rễ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép, khiến việc đi đại tiện không kiểm soát.
- Cơ suy yếu, bị teo, các chi teo nhanh chóng, chân tay bé lại, khả năng đi lại, vận động giảm sút.
- Bí tiểu, sau đó lại đái dầm dề, nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động.
Để tránh tình trạng tăng nặng của bệnh từ đó gây ra những hậu quả nặng nề người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng quan trọng không kém đối với người bị thoát vị đĩa đệm đó là một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Chất dinh dưỡng thúc đẩy quá trình mau lành bệnh. Lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Dưới đây là những lưu ý về chế độ dinh dưỡng dành cho người bị thoát vị đĩa đệm:
Ăn thực phẩm giàu canxi
Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng tới sức khỏe xương khớp. Một chế độ ăn giàu canxi giúp xương chắc khỏe. Giữ xương chắc khỏe bằng việc ưu tiên các thực phẩm sau vào chế độ ăn:
- Sữa hoặc các sản phẩm thay thế, chọn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc các sản phẩm thay thế như sữa hạnh nhân hoặc sữa yến mạch, cung cấp canxi và vitamin D cho sức khỏe của xương.
- Các loại rau như cải xoăn, đậu bắp, đậu đỏ…
- Các loại hạt như hạnh nhân, quả phỉ, quả óc chó, hạt vừng và bột tahini…
- Các loại cá như cá trắng, cá mòi (ngâm dầu, đóng hộp) và cá hồi…
- Đậu phụ, đậu nành, trứng
- Quả sung, quả mơ
- Bổ sung Glutamine
- Giống như arginine, glutamine là một acid amin cơ thể sản xuất với số lượng hạn chế. Nó tham gia vào các quá trình sinh học kiểm soát sự phát triển và sửa chữa tế bào. Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy bổ sung glutamine có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày bệnh nhân phải nằm viện sau một cuộc phẫu thuật lớn hoặc bệnh tật. Danh sách thực phẩm giàu glutamine khác nhau nhưng nghiên cứu cho thấy thịt bò, trứng, gạo trắng, đậu phụ, ngô đều giàu glutamine.
Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ là một thành phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Thực phẩm giàu chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa. Các vấn đề về tiêu hóa có thể gây ra áp lực tích tụ trong bụng, gây căng thẳng cho đĩa đệm bị tổn thương.
Uống nhiều nước
Nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng trong cơ thể và giữ cho đĩa đệm được bôi trơn. Uống ít nhất tám ly nước mỗi ngày là hướng dẫn chung. Để tăng mức độ hydrat hóa, hãy ăn các loại trái cây cung cấp nước như dưa hấu và dưa chuột.
Glucosamine sulfate
Glucosamine sulfate được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể, rất cần thiết cho việc duy trì và sửa chữa collagen (thành phần chính của đĩa đệm). Cơ thể sử dụng glucosamine sulfate để tạo thành các hóa chất cần thiết để sửa chữa sụn, gân, dây chằng và dịch khớp (chất lỏng tự nhiên nuôi dưỡng các khớp cột sống). Collagen giúp duy trì và sửa chữa sụn khớp cột sống.
Một trong những nguồn thực phẩm cung cấp glucosamine sulfate tốt nhất là nước hầm xương. Glucosamine sulfate thường được tìm thấy ở dạng thực phẩm bổ sung, lưu ý tốt nhất là nên sử dụng khi có tư vấn của bác sĩ.
Acid béo omega-3
Acid béo omega-3 làm giảm phản ứng viêm của cơ thể một cách tự nhiên, ngoài ra còn có đặc tính hình thành collagen và được cơ thể sử dụng để sửa chữa và ngăn ngừa tổn thương sụn và đĩa đệm do viêm.
Những acid béo này cũng có thể giúp sửa chữa những tổn thương đã xảy ra. Thực phẩm giàu acid béo omega-3 bao gồm dầu hạt cải, hạt chia, hạt lanh, cá hồi, quả óc chó. Acid béo omega-3 có nồng độ cao trong dầu cá, đây là thành phần tuyệt vời để chống viêm.
Những thực phẩm nên tránh khi bị thoát vị đĩa đệm
Mặc dù điều quan trọng là phải tập trung vào thực phẩm chống viêm nhưng bạn cũng nên cố gắng hạn chế hoặc tránh những thực phẩm có thể làm tăng mức độ viêm trong cơ thể, chẳng hạn như:
Thực phẩm chế biến và chiên: Gà rán và khoai tây chiên là những ví dụ về đồ ăn nhanh thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh và có thể gây viêm.
Thực phẩm và đồ uống có đường: Có những nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn quá nhiều thực phẩm có đường và các rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, gây viêm mãn tính và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau lưng.
Thực phẩm giàu natri: Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều natri sẽ thúc đẩy các tế bào miễn dịch sản xuất nhiều cytokine gây viêm hơn. Các mặt hàng thực phẩm có hàm lượng natri cao là thịt hun khói và thịt ướp muối, thịt đóng hộp và các loại hạt muối.
Chất béo chuyển hóa: Được tìm thấy trong nhiều đồ ăn nhẹ đã qua chế biến và thức ăn nhanh, chất béo chuyển hóa được biết là có tác dụng thúc đẩy tình trạng viêm. Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa bao gồm đồ nướng, bữa tối bằng lò vi sóng và bơ.
Theo suckhoedoisong.vn