Chạy bộ là một hình thức vận động cơ thể và là môn thể dục được mọi người áp dụng nhiều nhất hiện nay. Chạy bộ cũng tương tự như các hình thức tập thể thao khác mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và vóc dáng. Chạy bộ không chỉ là một kiểu vận động của cơ thể, thực tế thì chạy bộ được chia ra nhiều hình thức như chạy chậm, chạy nước kiệu hoặc thong thả, thoải mái nhưng tốc độ chạy vẫn được duy trì ổn định trong suốt quá trình luyện tập…

1. Chuyên gia nói gì về chạy bộ khi mang thai?

Những lưu ý về lợi ích và rủi ro của chạy bộ khi mang thai- Ảnh 1.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, những quan niệm sai lầm của xã hội và việc thiếu nghiên cứu về tập thể dục trước khi sinh khiến nhiều người đang mang thai không chắc chắn liệu chạy bộ khi đang mang thai có an toàn hay không.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn về sức khỏe phụ nữ mang thai, có thể chạy bộ nhẹ miễn là không có lý do y tế nào để tránh tập thể dục. Lắng nghe cơ thể, theo dõi các dấu hiệu sinh học vật lý và được sự đồng ý của bác sĩ sản khoa sau khi đã kiểm tra sức khỏe.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm, khi mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ trải qua nhiều thay đổi, chẳng hạn như lượng máu bơm qua tĩnh mạch tăng từ 30 đến 50% và nhịp tim khi nghỉ ngơi tăng lên. Cảm giác buồn nôn là điều bình thường do sự thay đổi nồng độ estrogen và hormone gonadotropin màng đệm ở người (HCG). Các khớp và dây chằng ở xương chậu dần dần nới lỏng để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Do đó, việc tập thể dục khi mang thai mang lại những lợi ích có thể đo lường được.

2. Lợi ích của chạy bộ an toàn khi mang thai

Những lưu ý về lợi ích và rủi ro của chạy bộ khi mang thai- Ảnh 2.
 

Chạy bộ khi mang thai cũng có nhiều lợi ích nhưng cũng có những rủi ro.

Tham gia vào các hoạt động như chạy bộ khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ và tăng huyết áp. Nó cũng liên quan đến thời gian chuyển dạ ngắn hơn và tỷ lệ trầm cảm trước, sau sinh thấp hơn. Đối với thai nhi, việc mẹ tập thể dục trước khi sinh có thể giúp giảm nguy cơ sinh con lớn so với tuổi thai và ít biến chứng khi sinh hơn.

3. Rủi ro trong chạy bộ khi mang thai

Mất cân bằng: Trọng tâm thay đổi khi mang thai, do trọng lượng tăng thêm ở phía trước cơ thể. Vì vậy, hãy hết sức cẩn thận khi chạy trên bề mặt không bằng phẳng, dốc hoặc địa hình gồ ghề, vì các khớp của của mẹ bầu lỏng lẻo hơn và dễ bị chấn thương hơn.

Đau nhức nhiều hơn: Một số mẹ bầu cảm thấy đau quanh xương chậu hoặc bụng, gọi là đau dây chằng tròn. Điều này là do các dây chằng tròn giúp nâng đỡ tử cung. Nó có thể đau hơn khi tập thể dục mạnh.

Ngoài ra, có một số điều kiện khiến việc tập thể dục khi mang thai trở nên không an toàn. Chúng bao gồm chảy máu âm đạo, dọa đẻ non, tiền sản giật, thiếu máu, một số loại bệnh tim và phổi cũng như các vấn đề về rau thai.

Nếu đang mang đa thai và có nguy cơ sinh non, không nên tập thể dục. Điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào trong thời kỳ mang thai.

4. Cách chạy bộ an toàn khi mang thai

Nếu chưa chạy bộ trước khi mang thai, không nên bắt đầu khi mang thai. Tuy nhiên, có thể thử bắt đầu một chương trình tập thể dục như đi bộ nhưng hãy bắt đầu từ từ. Điều quan trọng nhất là lắng nghe các tín hiệu mà cơ thể. Thể dục vừa phải với mẹ bầu có nghĩa là thở dễ dàng và rất ít những cảm giác khó chịu.

Kiểm tra giày: Khi mang thai, các khớp như khớp ở mắt cá chân và bàn chân, có nhiều nguy cơ bị chấn thương hơn. Hãy chắc chắn rằng đôi giày thể thao của mẹ bầu có khả năng hỗ trợ. Có thể cần phải đi cỡ giày lớn hơn một cỡ nếu bàn chân bị sưng hoặc dẹt.

Sử dụng đai hỗ trợ: Ngực thay đổi khi quá trình mang thai diễn ra, vì vậy hãy kiểm tra xem áo ngực có vừa vặn không. Một số phụ nữ nhận thấy rằng đai hỗ trợ mang thai có thể giúp giảm đau lưng khi chạy.

Uống nhiều nước: Mẹ bầu cần phải đi vệ sinh nhiều hơn do áp lực lên bàng quang tăng lên và có thể muốn uống ít hơn khi chạy. Tuy nhiên, bà bầu cần 8 đến 12 cốc mỗi ngày. Nước cần thiết cho nước ối, tăng lượng máu, tiêu hóa và loại bỏ chất thải.

Hãy lắng nghe cơ thể: Mang thai không phải là lúc để cố gắng hết sức. Thay vào đó, hãy nghỉ giải lao, đi chậm lại hoặc thêm những ngày phục hồi. Do hormone, mệt mỏi là triệu chứng thường gặp trong thời kỳ đầu mang thai nên đừng thúc ép bản thân hoặc mong đợi mức độ thể lực vẫn như những ngày trước khi mang thai.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thắng khuyến nghị, phụ nữ mang thai muốn chạy bộ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để loại trừ mọi lo ngại về y tế và nên nghe lời khuyên về mức độ hoạt động phù hợp. Mẹ bầu nên dừng tập thể dục lại ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng báo động đỏ như chảy máu âm đạo, đau bụng… 

Theo suckhoedoisong.vn