Tác dụng cơ bản của yoga là mang đến sự khỏe mạnh từ bên trong, và điều đó mang lại cho chúng ta một sắc diện tươi trẻ, rạng rỡ, sự tự tin và "thần thái" - HLV ygoga với nhiều năm kinh nghiệm Hoàng Nam chia sẻ.
Tuy nhiên yoga nếu không biết cách tập nhất là những người mới tập, tập tại nhà, những người say mê quá đà sẽ lợi bất cập hại. Đó là trường hợp chị Mai Tr. (Hà Nội) phải vào viện cấp cứu vì chấn thương vùng lưng, cổ tay chỉ vì mới biết tập yoga nhưng lại thực hiện những bài tập khó tại nhà, không có người hướng dẫn.
Hay trường hợp chị H. (Lâm Đồng) tử vong một mình tại phòng tập yoga do bị dải dây tập bằng vải có đầu mối treo trên xà nhà thắt siết ngang bụng, hai chân chưa chạm tới mặt sàn. Nhiều người có kinh nghiệm tập môn này cho biết, rất có thể trong lúc luyện tập các động tác liên quan tới sợi dây trên, chị H. đã bị sợi dây siết, thắt ngang bụng, trong khi chân không giẫm tới sàn nhà, gây ngạt thở và tử vong.
Yoga mang lại lợi ích cho sức khỏe thể chất, tinh thần.
Theo Bác sĩ y tế cộng đồng Phạm Thị Vân Ngọc- người đam mê bộ môn yoga và chánh niệm, yoga sẽ giúp bạn điều tiết cơ thể, đào thải độc tố, mang lại sự khỏe mạnh cả về thể chất lần tinh thần. Kiên trì tập Yoga, ngày qua ngày cứ như thế bạn có sức khỏe dồi dào, đầy năng lượng tích cực … điều đó sẽ khiến cuộc sống, công việc thêm hăng hái, thêm hưng phấn.
Ngoài tác dụng nâng cao sức khỏe, yoga còn mang lại cho người tập một thân hình cân đối, gọn gàng, cơ bắp săn chắc, mang lại vẻ trẻ trung, làm chậm tiến trình lão hóa...Ở những người dư cân, các động tác yoga sẽ giúp người tập tiêu hao nguồn năng lượng nhưng lại không tạo ra cảm giác đói, thèm ăn do đó, cân nặng cũng được cải thiện đáng kể.
Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp kích thích sự tuần hoàn máu, giúp tăng hiệu quả của hệ tiêu hóa, giải được các độc tố bên trong cơ thể. Không chỉ thế, yoga còn giúp người tập có một giấc ngủ sâu hơn và ngon hơn. Nhờ đó làn da cũng trở nên khỏe mạnh, loại bỏ được mụn, nám và các vết nhăn khiến phái đẹp phải đau đầu.
Thế nào là tập yoga đúng cách, hiệu quả
HLV Hoàng Nam đưa ra những gợi ý sau:
- Hãy tìm thầy hướng dẫn để bạn làm quen với Yoga ngay từ buổi đầu tiên. Họ sẽ hướng dẫn những tư thế đúng, trình tự vô cùng quan trọng trong tập yoga. Nếu bạn bắt đầu với việc tập ở tư thế sai thì sẽ vô cùng khó khăn để sửa lại sau này.
- Khởi động kỹ trước khi tập để tránh căng cơ, giãn dây chằng. Dành 30p cho khởi động tất cả các khớp cổ, vai, cột sống, gối.
- Cẩn thận, chính xác từng động tác
- Thở đúng cách - điều kiện tiên quyết để tập yoga đúng. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Hít vào bụng căng lên, thở ra bụng hóp lại. Đồng thời, thở chậm, sâu.
- Lựa chọn thời điểm tập. Lý tưởng nhất là vào sáng sớm hoặc tối muộn.
- Phải kiểm tra thân hình trước mỗi lần tập. Lưng, gáy và đầu của bạn phải thẳng hàng, hai vai thả lỏng, đồng thời thóp bụng vào. Với tư thế này bạn sẽ thực hiện các bài tập chính xác hơn. Với tư thế ngồi, hãy kiểm tra lòng bàn chân và đặt lòng bàn chân lên sàn nhà để tạo một sự cân bằng tốt.
Các chấn thương hay gặp nếu tập yoga không đúng cách
Tập yoga cũng có nghĩa là phải kiên trì, vì hiệu quả của nó không thể nhận thấy ngay lập tức. Phải qua thời gian tương đối dài bạn mới nhận thấy rõ tác dụng của nó. Thế nên nếu đốt cháy giai đoạn, hoặc luyện tập không đúng cách bạn sẽ gặp các chấn thương sau:
- Vùng cổ, vai gáy và lưng. Lúc tập việc lặp lại nhiều lần một động tác sẽ làm các bộ phận ở vùng cơ thể đó bị quá sức và gây áp lực lên các cơ, khiến chúng đau nhức, co giãn quá nhiều và gây ra những tổn thương.
- Chấn thương cổ tay. Tư thế plank, side plank, handstand, tư thế con quạ và tư thế chó úp mặt khiến cổ tay được sử dụng liên tục, có thể gây viêm khớp cổ tay, dẫn đến bong gân, viêm gân và hội chứng ống cổ tay.
- Chấn thương đĩa đệm cột sống do tư thế không đúng của động tác cúi vặn người.
- Bong gân cổ chân, giãn dây chằng nếu thực hiện không đúng các tư thế ngồi chéo chân, vắt chân, đứng một chân.
- Chấn thương hông, lưng dưới. Chấn thương lưng dưới hay gặp hơn vì bạn thường cong cột sống khi thực hiện các asana. Việc cuộn lưng sẽ làm cong cột sống, gây áp lực lên các đĩa đệm và các cơ lưng dưới.
Lời khuyên bác sĩ
Để đạt được hiệu quả tập luyện cao nhất, bạn nên dành ra mỗi ngày cố định ít nhất 30 phút để tập. Khi bước vào tập luyện, hãy tạo cho mình một không khí tập thoải mái, yên tĩnh. Đầu óc bạn nên thanh thản và phải lựa chọn thời điểm sao cho bài tập không bị gián đoạn bởi bất cứ lý do gì.
Để các động tác được thực hiện dễ dàng hơn, bạn nên mặc áo, quần áo mềm ôm sát người. Cần chú ý tới nền nhà, đừng chọn nơi có nền nhà trơn hoặc mấp mô, vì nó có thể gây tai nạn cho bạn bất cứ lúc nào.
Nếu bạn bị cao huyết áp, bệnh tim, bệnh về hô hấp, chấn thương cột sống, đang có thai, thời kỳ dưỡng bệnh hoặc bị một bệnh mãn tính nguy hiểm, bạn phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bước vào tập yoga.
Phải đảm bảo đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết: ăn nhiều hoa quả tươi, các loại rau củ. Uống nhiều nước trong ngày. Không nên ăn nhiều sản phẩm giàu đạm, mỡ khó tiêu.
4 "không" để tập yoga đúng cách
Để tập yoga đúng, hãy thực hiện tốt nguyên tắc 4 "không":
- Không vội vã: tốc độ không quan trọng trong yoga mà là sự kiên trì, nhẫn nại.
- Không kỷ lục: Không quá thúc ép bản thân hoặc gắng gượng để đạt thành tích.
- Không quá sức: Tùy vào thể trạng, tuổi tác, tình trạng bệnh lý của mình để chọn phương pháp tập phù hợp nhất.
- Không phân tán: Hãy dành toàn tâm toàn ý khi bước vào tập yoga.
|
Theo suckhoedoisong.vn