leftcenterrightdel
 Đàn ông trung niên ở Hàn Quốc sống cô độc sau khi ly hôn hoặc nghỉ hưu sớm. Ảnh:Yonhap

Tại Hàn Quốc, godoksa là thuật ngữ để nói về những cái chết trong cô độc. Số lượng godoksa những năm gần đây ngày càng tăng và được cho là hậu quả của tình trạng dân số già đi nhanh chóng.

Những cái chết không được phát hiện trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, thường xảy ra ở người cao tuổi bị cắt đứt liên lạc với gia đình, họ hàng và làng xóm trong một thời gian dài, theo Korea Times.

Tuy nhiên, những cái chết cô độc ở Hàn Quốc bắt đầu phổ biến ở những nhóm tuổi trẻ hơn. Một nghiên cứu mới của chính phủ Hàn Quốc cho thấy một lượng lớn nam giới trung niên gặp phải godoksa, cao hơn nhóm đối tượng khác là người già và nữ giới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi công bố ngày 14/12, số nam giới chết một mình cao gấp 4 lần so với nữ giới. Cụ thể, ước tính từ năm 2018 đến 2021, số nữ giới chết một mình là khoảng 500 trường hợp/năm. Trong khi đó, ở nam giới, con số ghi nhận được là khoảng 2.000 trường hợp/năm. Năm 2021 đạt mức cao kỷ lục là hơn 2.800 trường hợp.

Khi phân tích những trường hợp godoksa trong năm 2017-2021, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện số ca tử vong đã tăng lên trong 5 năm qua. Trong năm 2021, 3.378 trường hợp chết trong cô độc đã được phát hiện, báo cáo.

Đáng chú ý, những người chết một mình ở độ tuổi 50, 60 lại chiếm đến 60%. Trong tổng số 3.378 người chết một mình trong năm 2021, gần 2.000 người ở độ tuổi 50-60 và chỉ có hơn 600 trường hợp từ 70 tuổi trở lên.

Kết quả này không khiến ông Kim Sae-byul ngạc nhiên. Ông là người phụ trách xử lý những trường hợp godoksa tại Hàn Quốc 12 năm qua. Kể từ khi thành lập công ty từ năm 2010, ông Kim chứng kiến hàng nghìn cái chết cô độc, chủ yếu ở Seoul và các khu vực lân cận.

Trong một phỏng vấn với Korea Times, ông Kim ước tính số lượng nam giới chết một mình có thể nhiều hơn số liệu chính phủ đưa ra.

"Theo kinh nghiệm của tôi, số nam giới chết một mình nhiều gấp 4 lần so với nữ giới. Hầu hết trường hợp (nam giới) tôi phụ trách xử lý ở độ tuổi 40 hoặc 50", ông Kim nói thêm.

Theo ông Kim Sae-byul, nghèo đói và thất nghiệp là những khó khăn phổ biến ở những trường hợp chết trong cô độc, bất kể giới tính nào cũng gặp phải. Tuy nhiên, đàn ông trung niên có vẻ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với những áp lực này.

leftcenterrightdel
 Đàn ông trung niên Hàn Quốc bỏ bê bản thân khi sống một mình. Ảnh:The Hankyoreh. 

Khoảng 90% nam giới ông Kim từng tiếp xúc đều sống một mình sau khi ly hôn và mất liên lạc với con cái. Họ thất nghiệp hoặc chỉ đủ kiếm sống bằng cách làm việc tại các công trường xây dựng. Những yếu tố này khiến họ cảm thấy cuộc sống không còn nhiều ý nghĩa.

Ông Kim cũng nêu rằng thói quen uống rượu quá mức và các vấn đề sức khỏe khác là điểm chung của những người đàn ông chết một mình. Nhiều người được phát hiện mắc các bệnh liên quan việc uống rượu như xơ gan. Một số trường hợp tử vong do bị ngã lúc say.

Bà Song In-joo, nhà nghiên cứu tại Quỹ Phúc lợi Seoul, người chuyên nghiên cứu về sự cô lập xã hội và những cái chết đơn độc, nhận thấy những người đàn ông sống một mình thường chịu cảm giác cô độc nhiều hơn phụ nữ, bao gồm sự cô độc về cảm xúc và thể chất.

Dù nghỉ hưu sớm hay ly hôn, đàn ông vẫn có xu hướng bị cô lập nhiều hơn phụ nữ. Mất địa vị trong xã hội và gia đình chính là nguyên nhân gây ra sự cô lập xã hội ở đàn ông trung niên.

Bà Song nói thêm nhiều đàn ông trung niên không quen làm việc nhà nên có nguy cơ bỏ bê bản thân cao hơn. Khi không đáp ứng được các nhu cầu tâm lý, thể chất thiết yếu, họ cũng có nhiều nguy cơ gặp các bệnh mạn tính.

Theo zingnews