Việc nắm rõ các nguyên nhân gây suy thận cũng như thói quen hại thận sẽ giúp việc phòng tránh bệnh thận cũng như có những biện pháp dự phòng các tổn thương có thể có do tác dụng phụ của thuốc, biến chứng bệnh tật tốt hơn.
Trong cơ thể, thận đóng vai trò lọc máu, lọc chất thải và độc tố có hại ra ngoài thông qua đường bài tiết nên thận cũng được biết đến là một cơ quan bài tiết quan trọng. Chức năng lọc máu và đào thải độc tố của thận cũng là chức năng chính của thận, cũng là yếu tốt then chốt để đánh giá xem thận của bạn có đang hoạt động tốt không hay đang bị tổn thương.
1. Nguyên nhân gây suy thận, tổn thương chức năng thận
Tổn thương thận lâu dài có thể dẫn tới viêm nhiễm mãn tính và thậm chí là suy thận. Suy thận xảy ra khi chức năng thận suy giảm do nhiều nguyên nhân gây suy thận khác nhau.
Theo Healthline, có một số yếu tố có thể gây hại cho thận, bao gồm các bệnh lý dẫn tới tổn thương thận, tác dụng phụ của các loại thuốc tới thận và thói quen lối sống kém lành mạnh hại thận.
1.1. Các tình trạng bệnh lý có thể gây tổn thương chức năng thận
Nguyên nhân gây suy thận, tổn thương chức năng thận có thể xuất phát từ nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, bao gồm:
- Bệnh thận ảnh hưởng trực tiếp tới mô thận và suy giảm chức năng thận, bao gồm: Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên hoặc không được điều trị; sỏi thận; bệnh thận đa nang; tình trạng ảnh hưởng tới các đơn vị chức năng của thận (nephron) như viêm cầu thận, bệnh thận do HIV, bệnh thận IgA; bệnh thận ứ nước; ung thư thận.
|
|
Nguyên nhân gây suy thận, tổn thương chức năng thận có thể xuất phát từ nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau (Ảnh: ST) |
- Tiểu đường và biến chứng thận do tiểu đường: Theo NIH, tiểu đường là nguyên nhân gây bệnh thận hàng đầu hay còn được gọi là biến chứng thận do tiểu đường, có thể gặp ở cả bệnh nhân mắc tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Khi lượng đường trong máu tăng cao và không thể kiểm soát hiệu quả, mạch máu ở thận và nephron bị tổn thương, theo thời gian dẫn tới bệnh thận mạn tính làm giảm khả năng lọc chất thải cũng như lọc máu bình thường của thận.
- Huyết áp cao và bệnh thận mạn tính: Huyết áp cao khiến áp lực của mạch máu lên thành động mạch ở ngưỡng cao thường xuyên, dẫn tới co thắt và hẹp các mạch máu các mạch máu, bao gồm cả mạch máu nuôi dưỡng thận. Từ đó lưu lượng máu tới các nerphron giảm và xảy ra tổn thương mạch máu và bộ lọc trong thận, khiến việc loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể trở nên khó khăn. Nên có thể nói huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây suy thận và bệnh thận chính.
- Bệnh tim và bệnh thận: Bệnh tim bao gồm bệnh động mạch vành, suy tim và chứng loạn nhịp tim đều có liên quan tới khả năng bơm máu kém hiệu quả của tim. Lưu lượng máu tới thận giảm có thể gây ra các tổn thương, lâu dài dẫn tới suy giảm chức năng thận. Ngoài ra, khi chức năng tim suy yếu, máu bị tích tụ trong tim nhiều do không thể đẩy được đi gây ra áp lực tích tụ trong tĩnh mạch chính kết nối với thận và dẫn tới tình trạng tắc nghẽn máu ở thận.
Hơn nữa, bệnh tim mạch thường đi kèm với huyết áp cao, một yếu tố khác gây tổn thương mạch máu của thận. Ngược lại, khi chức năng thận suy giảm, nó có thể dẫn tới huyết áp cao hơn và tăng rủi ro gặp biến cố do tim tổn thương.
|
|
Lưu lượng máu tới thận giảm có thể gây ra các tổn thương, lâu dài dẫn tới suy giảm chức năng thận (Ảnh: ST) |
- Bệnh lupus ban đỏ: Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch "hiểu lầm" và tự tấn công các mô khỏe mạnh. Bệnh lupus có thể ảnh hưởng tới thận gây viêm thận lupus - xảy ra khi tự kháng thể lupus ảnh hưởng đến các cấu trúc của thận và tác động tới hoạt động bình thường của thận kèm theo máu trong nước tiểu, protein trong nước tiểu, huyết áp cao, suy giảm chức năng thận hoặc thậm chí là nguyên nhân gây suy thận do rối loạn chức năng thận xảy ra trong một thời gian dài.
- Béo phì: Người béo phì thường có rủi ro gặp phải các bệnh mãn tính kèm theo như tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim. Cả ba yếu tố này đều có thể trở thành nguyên nhân gây suy thận, tổn thương chức năng thận. Ngoài ra, quá trình lọc máu của thận có thể bị ảnh hưởng bởi sự tích tụ mỡ và chất cặn bã trong cơ thể, dẫn đến suy giảm chức năng thận theo thời gian.
- Chấn thương vật lý: Mất máu hoặc dịch do chất thương có thể làm giảm lưu lượng máu tới thận, dẫn tới tổn thương thận cấp tính. Ngoài ra va chạm ở bụng bao gồm cả chấn thương thận kín hoặc hở cũng có thể tác động trực tiếp tới thận của bạn bao gồm tổn thương nhu mô và mạch máu thận.
1.2. Các loại thuốc có thể gây tổn thương chức năng thận
Một nguyên nhân gây suy thận, hại thận khác có thể dễ bị bỏ qua là tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị. Các tác động này có thể bao gồm tổn thương ống thận (cấu trúc là nơi diễn ra quá trình tái hấp thụ và bài tiết các chất từ nước tiểu đã được lọc), tăng nguy cơ viêm kẽ thận (viêm mô kẽ của thận xung quanh ống thận), giảm tốc độ lọc của thận, tạo ra các cặn kết tủa ngăn dòng chảy bình thường của nước tiểu (sỏi thận) và tăng tình trạng stress oxy hóa tế bào.
|
|
Một nguyên nhân gây suy thận, hại thận khác có thể dễ bị bỏ qua là tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị (Ảnh: ST) |
Các thuốc có thể gây tổn thương chức năng thận có thể kể đến như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen, naproxen.
- Thuốc ức chế bơm proton trong điều trị trào ngược dạ dày - thực quản, hoạt động bằng cách giảm tiết axit dạ dày.
- Thuốc Statin trong điều trị mỡ máu (cholesterol cao).
- Một số loại kháng sinh có thể kể như aminoglycosides và vancomycin.
- Thuốc kháng virus trong điều trị HIV.
- Thuốc ức chế ACE hoặc ARB trong điều trị huyết áp.
- Thuốc nhuận tràng theo đơn.
- Thuốc ức chế miễn dịch đặc hiệu chẳng hạn như cyclosporine và tacrolimus.
- Thuốc được dùng trong điều trị ung thư bao gồm cisplatin và methotrexate.
- Chất nhuộm tương phản trong chẩn đoán hình ảnh y tế.
Tuy nhiên, không nên cho rằng các loại thuốc trên là nguyên nhân gây suy thận mà bỏ thuốc, không uống thuốc đúng đủ liều theo đơn. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng các loại thuốc trị bệnh để nhận được lời khuyên phù hợp, chẳng hạn như sử dụng thuốc thay thế, giảm liều hay cách đối phó với tác dụng phụ. Việc tự ý ngừng thuốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới triệu chứng bệnh cũng như quá trình phục hồi bệnh.
1.3. Những thói quen hại thận có thể dẫn tới bệnh thận mãn tính, suy thận
Một vài thói quen sinh hoạt kém lành mạnh có thể gây tổn thương chức năng thận, bao gồm:
- Uống quá nhiều rượu: Nghiện rượu hay uống rượu quá mức có thể gây hại cho thận bằng cách thay đổi vận hành bình thường của thận. Như đã biết, thận có chức năng giữ lượng phù hợp với cơ thể nhưng uống rượu lại gây mất nước dẫn tới sự mất cân bằng trong cơ thể. Hơn nữa, nghiện rượu có liên quan tới tăng rủi ro mắc bệnh tăng huyết áp - nguyên nhân gây bệnh thận phổ biến cũng như gây hại cho gan, khiến thận phải làm việc nhiều hơn.
|
|
Nghiện rượu hay uống rượu quá mức có thể gây hại cho thận bằng cách thay đổi vận hành bình thường của thận (Ảnh: ST) |
- Hút thuốc: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, trong đó 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt là chất độc nicotine. Hút thuốc có hại cho sức khỏe tổng thể, gây tổn thương trực tiếp tới thận thông qua quá trình stress oxy hóa nhanh, làm hẹp các mạch máu ở thận gây xơ cứng động mạch thận theo thời gian.
Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao và tiểu đường là nguyên nhân gây suy thận, tổn thương chức năng thận cũng như tăng nguy cơ phát triển ung thư thận. Hơn nữa, hóa chất trong khói thuốc lá có thể ngấm vào máu, dễ gây ra sỏi thận so với người không có thói quen hút thuốc lá.
- Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn: Theo Tổ chức bệnh Thận Hoa Kỳ, một nghiên cứu năm 2022 cho thấy những người ăn nhiều thực phẩm chế biến có nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính cao hơn 24%. Những thực phẩm này được gia giảm trong quá trình chế biến với rất nhiều chất phụ gia nhân tạo, đường bổ sung, carbohydrate tinh chế, chất béo không lành mạnh và natri, nhưng lại ít chất xơ, protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu làm tăng rủi ro huyết áp cao và béo phì.
Những thực phẩm chế biến sẵn có thể kể như thịt chế biến sẵn, khoai tây chiên, xúc xích, thịt xông khói, thịt ướp muối, đồ ăn nhanh,...
- Chế độ ăn quá nhiều muối và đường: Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho thận. Quá nhiều đường bổ sung thúc đẩy tình trạng béo phì, tiểu đường, cao huyết áp. Làm suy giảm khả năng lọc chất thải và chất lỏng của thận, dẫn đến bệnh thận mạn tính hoặc là nguyên nhân gây suy thận.
- Quá nhiều protein: Cho tới hiện tại thì mặc dù chưa có mối liên hệ nào được công nhận chính thức liên kết giữa chế độ ăn nhiều protein và bệnh thận nhưng dư thừa protein có thể khiến các triệu chứng bệnh thận tăng nặng hơn. Điều này được giải thích là có liên quan tới lượng ni tơ dư thừa được tìm thấy trong các axit amin của protein.
|
|
Dư thừa protein có thể khiến các triệu chứng bệnh thận tăng nặng hơn (Ảnh: ST) |
- Thiếu ngủ: Một người trưởng thành nên ngủ từ 7 - 9 giờ mỗi đêm để đảm bảo cho sức khỏe tổng thể cũng như quá trình phục hồi. Chức năng thận dựa trên chu kỳ ngủ - thức giúp điều phối khối lượng công việc của thận trong 24 giờ. Tuy nhiên, khi chất lượng giấc ngủ kém có thể tăng nguy cơ mắc các tình trạng tiểu đường, huyết áp cao và béo phì có liên kết với nguy cơ mắc bệnh thận mạn.
- Mất nước: Khi cơ thể mất nước, nước tiểu sẽ có xu hướng đặc hơn và nguy cơ bị sỏi thận hay các nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn, lâu dài không được điều trị sẽ dẫn tới suy giảm chức năng thận. Ngoài ra, nó còn làm giảm lưu lượng máu đến thận, khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn để lọc chất thải ra khỏi máu.
- Thiếu vận động thể chất: Việc không thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể chất có thể dẫn đến tình trạng béo phì và tăng cân, đây là những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường và huyết áp cao - hai trong số những tình trạng chính có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính. Một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối tập thể dục thường xuyên có nguy cơ tử vong thấp hơn khoảng 50% so với những người không có thói quen vận động.
Ngoài các yếu tố có thể là nguyên nhân gây suy thận và tổn thương chức năng thận kể trên thì có các yếu tố nguy cơ khác cũng có thể làm tăng rủi ro bệnh thận bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh thận mãn tính do các tình trạng di truyền như bệnh thận đa nang hoặc yếu tố môi trường sống giống nhau.
- Tuổi tác cao: Theo Healthline, sau 40 thì chứ sau một năm khả năng lọc máu và chất thải của thận sẽ giảm 1% nên nguy cơ mắc bệnh thận sẽ cao hơn khi tuổi tác lớn hơn. Ngoài ra, các nguyên nhân gây suy thận và giảm chức năng thận phổ biến như tiểu đường, bệnh tim,... cũng phổ biến hơn khi già đi.
|
|
Dấu hiệu sớm của suy giảm chức năng thận là gì? Ảnh: ST |
2. Dấu hiệu sớm của suy giảm chức năng thận
Nhiều người mắc bệnh thận mà không có triệu chứng cho tới khi các tổn thương ở thận trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới chức năng thận với các biểu hiện ra bên ngoài như:
- Tiểu nhiều lần hoặc ít nước tiểu hơn bình thường.
- Nước tiểu có bọt, sẫm màu hơn (màu hổ phách, nâu đỏ).
- Mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài.
- Yếu ớt.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Da khô, ngứa ngáy.
- Sưng tấy, phù nề ở chân tay do tích nước.
- Thường xuyên bị chuột rút cơ bắp.
- Khó ngủ, có thể liên quan tới tiểu đêm phải thức dậy nhiều lần.
- Giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân không chủ ý.
Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân gây suy thận hoặc các thói quen kém lành mạnh gây tổn thương chức năng thận. Điều bạn cần nhớ là phải điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ, tìm hiểu về các tác dụng phụ của thuốc cũng như cách đối phó với các tác dụng phụ này. Đồng thời, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh bao gồm không hút thuốc lá, hạn chế uống bia rượu, kiểm soát muối và đường bổ sung, hạn chế tiêu thụ thịt chế biến sẵn, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và vận động thể chất ít nhất 150 phút với cường độ trung bình mỗi tuần. Bởi, thận một khi đã tổn thương thì tổn thương đó không thể phục hồi được.
Châu Anh/Nguồn: Tổng hợp