Hình ảnh phim chụp túi phình mạch máu não khổng lồ của bệnh nhân - Bác sĩ cung cấp

Không có triệu chứng cho đến khi túi phình lớn

Bệnh nhân Q.T.T.N (50 tuổi, ngụ Đồng Nai) có triệu chứng đau đầu âm ỉ kéo dài hơn 1 tháng. Gần đây, khi bệnh nhân đau đầu và choáng thì được người nhà đưa vào bệnh viện. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), qua xét nghiệm hình ảnh, hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có túi phình động mạch não khổng lồ kích thước 25 mm nằm ở vị trí phức tạp. Túi phình chèn ép não dẫn đến các triệu chứng trên và nguy cơ vỡ đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật bắc cầu động mạch não trong và ngoài sọ áp lực cao để giải nguy cho bệnh nhân. Theo đó, một đoạn tĩnh mạch ở dưới chân của bệnh nhân (dài 15 - 20 cm) được cắt đưa lên làm cầu nối từ động mạch ở cổ, đi luồn dưới da và nối với đoạn mạch máu trên não giúp lưu thông máu, thay thế cho đoạn mạch máu bị túi phình. Đồng thời, các bác sĩ cũng kẹp túi phình để bít đường lưu thông máu qua đây. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục sức khỏe và không có di chứng.

Ghi nhận tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, có trường hợp bệnh nhân nữ 57 tuổi, bị sụp mi mắt phải hơn 1 tháng. Đi khám, bà mới biết mình bị túi phình mạch máu não.

Trong khi đó, có nhiều trường hợp túi phình mạch máu não vỡ, gây đột quỵ khiến bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình cảnh lơ mơ, không còn nhận biết, nguy kịch.

Theo PGS-TS Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy: Nhiều người có túi phình mạch máu não nhưng không biết, không có triệu chứng, cho đến khi túi phình lớn, chèn ép não hay vỡ. Túi phình mạch máu não hệt như một “quả bom nổ chậm”.

Đừng bỏ qua những cơn đau đầu âm ỉ!

PGS-TS Huỳnh Lê Phương cho biết: Túi phình mạch máu não là chỗ thành mạch máu não yếu và phình lên. Sự phình to, giãn mỏng của thành mạch máu này sẽ gây nguy cơ làm túi phình bị vỡ. Mặt khác, túi phình cũng chèn ép cấu trúc não thần kinh xung quanh.

“Mỗi vị trí não điều khiển một chức năng, hoạt động khác nhau của các cơ quan trong cơ thể. Túi phình mạch máu não chèn ép phần nào của não thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, chức năng của cơ quan mà phần não đó điều khiển. Đồng thời, túi phình mạch máu não gây nguy cơ xuất huyết rất cao do lưu lượng máu lớn đi qua túi phình sẽ làm túi càng phát triển dẫn đến nguy cơ vỡ túi”, PGS-TS Phương giải thích.

Theo TS-BS Trần Minh Trí, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy: “Diễn tiến tự nhiên là có 50% trường hợp sẽ vỡ túi phình. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong là 68 - 100% trong 2 năm nếu không được điều trị”.

Bệnh thường gặp ở người từ 40 - 60 tuổi. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện túi phình mạch máu não như: cơ địa; bệnh sử gia đình có người bị bệnh túi phình mạch máu não; người đã từng có túi phình trước đây nhiều khả năng xuất hiện thêm túi phình khác; huyết áp cao; các tác động của môi trường và lối sống như: hút thuốc, uống rượu... 30% bệnh nhân bị túi phình mạch máu não có biểu hiện xuất huyết dưới nhện (chảy máu đột ngột vào khoang trống ở giữa não và lớp màng bao phủ não); 70% có biểu hiện chèn ép não như đau đầu.

“Bệnh nhân cần đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để khám kịp thời khi có triệu chứng điển hình là: đau đầu lặp đi lặp lại với mật độ càng gần và cường độ các cơn đau đầu càng tăng, thời gian mỗi cơn đau ngày càng dài... Vỡ túi phình mạch máu não là trường hợp phải cấp cứu”, PGS-TS Huỳnh Lê Phương lưu ý.

Túi phình vỡ có biểu hiện quan trọng nhất là đột ngột đau đầu dữ dội, bên cạnh đó có thể buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, co giật, sụp mi, lơ mơ, mất ý thức.

2 phương pháp chính điều trị

Theo PGS-TS Huỳnh Lê Phương: Những túi phình mạch máu não có kích thước hơn 25 mm được đánh giá là túi phình khổng lồ. Hiện có 2 phương pháp chính điều trị túi phình mạch máu não khổng lồ là phẫu thuật (có thể kẹp, cắt bỏ túi phình hoặc bắt cầu) và can thiệp nội mạch (gây tắc, đặt coil, đặt stent chuyển dòng). Một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp để điều trị.

Phẫu thuật mạch máu não đã được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện 10 năm nay nhưng với các mạch máu áp lực thấp. Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị tiên phong tại VN thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch máu não áp lực cao cho bệnh nhân bị túi phình mạch máu não.


Để phòng ngừa sự xuất hiện của túi phình mạch máu não, cũng như các bệnh lý về mạch máu khác, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nên có lối sống, ăn uống lành mạnh (hạn chế rượu bia, thuốc lá; ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm chất béo “xấu”) và tập thể dục thể thao điều độ. Ngoài ra, nên khám tầm soát về mạch máu não, đặc biệt với những người trên 40 tuổi, có nguy cơ cao. Hình ảnh mạch máu não tầm soát phát hiện được khoảng 70 - 80% bệnh lý. 

Theo thanhnien