1. Chỉ định của corticosteroid
Corticosteroid hay còn được gọi là glucocorticoid hay steroid, là các dẫn xuất tổng hợp, có hoạt tính sinh học của cortisol do vỏ thượng thận tiết ra.
Tác dụng của corticosteroid rất phổ biến, bao gồm: Thay đổi carbohydrate (tăng mức đường huyết), kích thích giải phóng axit amin, duy trì cân bằng chất lỏng và điện giải, duy trì chức năng bình thường của hệ thống tim mạch, ức chế hệ thống miễn dịch …
Corticosteroid có đặc tính chống viêm mạnh và được sử dụng để điều trị nhiều loại rối loạn viêm và tự miễn dịch.
Các tình trạng thường được điều trị bằng steroid bao gồm:
- Hen suyễn
- Viêm khớp (ví dụ, viêm khớp dạng thấp)
- Rối loạn tự miễn dịch như hội chứng ruột kích thích
- Lupus và bệnh đa xơ cứng
- Tình trạng da như chàm, phát ban
- Một số loại ung thư…
2. Các dạng thuốc của corticosteroid
-Dạng uống: DÙng để uống như prednisone, prednisolone, dexamethasone và methylprednisolone thường được sử dụng để điều trị viêm và đau liên quan đến các bệnh mãn tính như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus.
-Dạng tiêm, truyền: Có thể được tiêm trực tiếp vào các khớp bị ảnh hưởng để giảm viêm (viêm bao hoạt dịch). Một loại tác dụng kéo dài, như triamcinolone hexacetonide thường được sử dụng để tiêm nội khớp.
- Dạng hít: Thường được sử dụng để kiểm soát chứng viêm liên quan đến bệnh hen suyễn. Bệnh nhân nên được hướng dẫn về kỹ thuật hít phù hợp để tối đa hóa hiệu quả điều trị và giảm thiểu các tác dụng phụ tại chỗ.
-Dạng nhỏ mũi: Được sử dụng rộng rãi cho các trường hợp viêm mũi dị ứng.
- Dạng bôi tại chỗ: Các công thức corticosteroid tại chỗ được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng da và hiệu lực rất khác nhau...
3. Liều lượng và thời gian điều trị
Tác dụng có lợi của corticosteroid cũng như khả năng gây tác dụng phụ của thuốc tỷ lệ thuận với liều lượng sử dụng. Nói chung, các liều riêng lẻ được phân loại là liều thấp (7,5 mg / ngày hoặc ít hơn), liều trung bình (từ 7,5 đến 30 mg / ngày), hoặc liều cao (lớn hơn 30 mg / ngày).
Điều trị corticosteroid ngắn hạn thường kéo dài ít hơn một đến ba tháng. Điều trị kéo dài hơn ba tháng được coi là lâu dài và dẫn đến phần lớn các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Khi sử dụng trong thời gian ngắn vài ngày hoặc vài tuần, corticosteroid tương đối an toàn. Điều quan trọng là bệnh nhân phải được thông báo về những rủi ro liên quan đến điều trị, người kê đơn cân nhắc cẩn thận để đánh giá lợi ích mong đợi so với rủi ro liên quan.
4. Rủi ro liên quan đến steroid
- Ức chế tuyến thượng thận: Ức chế tuyến thượng thận đề cập đến việc cơ thể không thể sản xuất đủ cortisol sau khi sử dụng corticosteroid liều cao hoặc lâu dài. Các công thức tác dụng kéo dài có xu hướng liên quan đến nguy cơ ức chế tuyến thượng thận cao hơn. Hấp thu toàn thân các corticosteroid dạng hít, tại chỗ và nội nhãn cũng có thể gây ức chế tuyến thượng thận.
Các dấu hiệu của hội chứng thượng thận bao gồm suy nhược / mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu (thường vào buổi sáng), sốt, chán ăn / sụt cân, đau cơ, đau khớp và các triệu chứng tâm thần.
Các dấu hiệu nghiêm trọng bao gồm hạ huyết áp, giảm ý thức, hôn mê, hạ đường huyết không rõ nguyên nhân, hạ natri máu, co giật và hôn mê.
- Tăng cân: Hầu hết tất cả bệnh nhân dùng corticosteroid lâu dài sẽ bị tăng cân có thể kèm theo giữ nước. Nên khuyến khích bệnh nhân tập thể dục và hạn chế lượng calo nạp vào để giúp giảm thiểu tăng cân.
- Giảm khả năng chữa lành vết thương: Sử dụng corticosteroid lâu dài có thể làm giảm khả năng chữa lành vết thương ở những người mẫn cảm. Bệnh nhân dùng steroid có nguy cơ bị suy giảm khả năng chữa lành vết thương (ví dụ như loét tì đè) có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung vitamin A.
- Tăng đường huyết và bệnh tiểu đường: Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hiện tại đang dùng corticosteroid có thể bị tăng đường huyết dẫn đến cần phải điều chỉnh thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường dùng liều hàng ngày cao hơn có thể bị tiểu đường thoáng qua hoặc dai dẳng cần điều trị.
Nói chung, tình trạng tăng đường huyết do corticosteroid cải thiện khi giảm liều và hết khi ngừng điều trị mặc dù một số bệnh nhân có thể phát triển bệnh tiểu đường dai dẳng.
- Đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp: Nguy cơ bị cả đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp đều tăng ở những bệnh nhân sử dụng corticosteroid và nguy cơ này phụ thuộc vào liều lượng. Nên kiểm tra mắt định kỳ.
- Xơ vữa động mạch và nguy cơ tim mạch: Bệnh nhân dùng thuốc lâu dài có nguy cơ xơ vữa động mạch do tăng cholesterol, lipoprotein tỷ trọng rất thấp và thấp, và giảm lipoprotein tỷ trọng cao bảo vệ tim mạch. Những yếu tố này dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim, bao gồm đau thắt ngực, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Tăng huyết áp là phổ biến, đặc biệt là khi dùng liều steroid cao.
- Loét và chảy máu đường tiêu hóa: Dùng các thuốc này kéo dài còn làm tăng nguy cơ viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng, và nguy cơ này tăng đáng kể khi dùng steroid cùng với NSAID như ibuprofen, aspirin hoặc naproxen. Bệnh nhân nên được khuyên dùng các loại thuốc giảm axit như thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H2 và nên dùng steroid trong bữa ăn để giúp giảm kích ứng dạ dày.
- Thay đổi trạng thái tâm thần: Corticosteroid có thể gây ra nhiều thay đổi trạng thái tâm thần và tâm thần, bao gồm trầm cảm, mê sảng, rối loạn tâm thần và hưng cảm, có thể cần đánh giá và điều trị.
- Giảm phản ứng miễn dịch: Corticosteroid làm giảm tác động của tế bào T, tế bào B, tế bào thực bào và cytokine, có liên quan đến phản ứng miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là khi sử dụng liều cao.
Bệnh nhân có thể bị tăng số lượng bạch cầu do sự gia tăng số lượng bạch cầu trung tính lưu hành và có thể bị giảm hiệu quả khi tiêm phòng vaccine sống. Tuy nhiên, việc tiêm chủng định kỳ như chủng ngừa cúm hàng năm là an toàn và được khuyến khích.
- Loãng xương, gãy xương và hoại tử xương: Việc sử dụng prednisolone có liên quan đến việc giảm đáng kể mật độ khoáng của xương và tăng nguy cơ gãy xương trong vòng ba đến sáu tháng kể từ bắt đầu.
Theo suckhoedoisong.vn