1. Khi nào gọi là táo bón?

BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, táo bón là một bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Nguyên nhân là do hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, có thể do các yếu tố thần kinh hoặc do loạn khuẩn đường ruột, ăn ít chất xơ, uống ít nước…

Trẻ bị táo bón khi khó khăn đi ngoài, phân thường khô và cứng, thường xuyên quấy khóc, đau nhức khi đại tiện, có thể thấy máu lẫn trong phân. Trong đó:

- Trẻ dưới 1 tuổi và bú bình: Không đi ngoài trong vòng 3 ngày.

- Trẻ dưới 1 tuổi bú mẹ hoàn toàn: Không đi ngoài trong vòng 1 tuần.

- Trẻ từ 1-2 tuổi: Đi ngoài dưới 3 lần/tuần.

- Trẻ trên 2 tuổi: Đi ngoài dưới 2 lần/tuần.

Táo bón ở trẻ nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ: Trĩ, nứt kẽ hậu môn, mất phản xạ buồn đi ngoài, biếng ăn, suy dinh dưỡng, thậm chí còn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng sau này…

photo-1668575148509

Táo bón khiến trẻ đau đớn khi đi ngoài…

2. Điều trị táo bón ở trẻ như thế nào?

Theo BS. Nguyễn Hữu Thảo, việc điều trị táo bón ở trẻ cần kết hợp dùng thuốc, tập luyện đi ngoài và điều chỉnh chế độ ăn uống.

2.1. Các thuốc điều trị táo bón cho trẻ

Một số thuốc dùng trong trị táo bón ở trẻ:

- Thuốc bổ sung chất xơ (cám lúa mỳ, gôm sterculia…): Các thuốc này có tác dụng hút nước, kích thích nhu động ruột làm cho phân mềm hơn và dễ dàng bị đẩy ra ngoài.

- Thuốc làm mềm phân (có chứa glycerol): Loại thuốc này thường được dùng bơm vào hậu môn, giúp làm mềm phân hơn và dễ dàng tống ra ngoài.

- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu (lactulose, sorbitol, polyethylene glycol): Các thuốc này có tác dụng làm giảm sự hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp làm mềm phân.

Thuốc nhuận tràng kích thích (bisacodyl): Thuốc giúp tăng nhu động ruột, kích thích cơ đại tràng co bóp, làm cho phân nhanh chóng được tống ra ngoài. Lưu ý, thuốc cần một thời gian khá dài (8-12 tiếng) để phát huy tác dụng. Ngoài ra, thuốc chỉ dùng khi trẻ không đáp ứng với các loại thuốc trên.

2.2. Tập luyện

Việc rèn luyện cho trẻ có thói quen đi ngoài hàng ngày vào một giờ cố định cũng giúp trẻ tránh mắc táo bón. Nên cho trẻ ngồi bô sau bữa ăn tối, mỗi lần 5-10 phút để tạo phản xạ đi ngoài đúng giờ.

photo-1668575150520

Nên cho trẻ tập ngồi bô vào một giờ nhất định trong ngày.

2.3. Điều chỉnh chế độ ăn

Để giúp trẻ tránh khỏi táo bón, cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ:

- Tăng cường rau xanh, quả chín.

- Uống đủ nước, có thể bổ sung thêm nước trái cây, sinh tố hoa quả...

- Cho trẻ uống sữa công thức không quá 500ml/ngày.

3. Những sai lầm trong dùng thuốc điều trị táo bón

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo trong điều trị táo bón cho trẻ, nhưng BS. Nguyễn Hữu Thảo cho biết, nhiều bậc phụ huynh vẫn mắc sai lầm nghiêm trọng khiến cho bệnh tình của trẻ không khỏi mà còn làm trầm trọng thêm bệnh.

3.1. Dùng men tiêu hóa trị táo bón

Khi trẻ bị táo bón, nhiều bậc cha mẹ ngại đưa con đi khám nên tự ý mua các loại men tiêu hóa về điều trị cho con. Tuy nhiên, men tiêu hóa là do đường tiêu hóa tiết ra để giúp tiêu hóa thức ăn. Việc thiếu hụt men tiêu hóa có thể gây đầy hơi, tiêu chảy nhưng không gây táo bón. Do vậy, bổ sung men tiêu hóa không điều trị được táo bón. Không những thế, dùng men tiêu hóa bừa bãi còn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón ở trẻ.

3.2. Ngừng dùng thuốc khi con hết táo bón

Khi thấy con hết táo bón, đi vệ sinh dễ dàng sau vài ngày dùng thuốc, nhiều bậc cha mẹ lập tức bỏ thuốc, không cho trẻ dùng hết đơn thuốc do lo ngại việc dùng thuốc có thể gây ảnh hưởng cho trẻ. Tuy nhiên, đây là một nhầm lẫn nghiêm trọng.

Thông thường, điều trị táo bón cho trẻ cần mất một thời gian dài. Việc điều trị táo bón cần kiên trì, sử dụng đúng, đủ liều theo đơn thuốc đã được bác sĩ kê mới đảm bảo trị dứt điểm được táo bón ở trẻ. Tuyệt đối không tự ý dừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc dừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến trẻ bị táo bón trở lại, nặng và khó điều trị hơn.

3.3. Thuốc thụt hậu môn có thể dùng lâu dài

Nhiều bậc cha mẹ khi thấy dùng thuốc thụt hậu môn có hiệu quả nên cứ hễ thấy con bị táo bón lại mua ngay thuốc này về cho con dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, thuốc không được khuyên dùng trong thời gian dài mà chỉ dùng khi thực sự cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.

Việc lạm dụng thuốc thụt hậu môn có thể khiến cho trẻ mất phản xạ đi ngoài tự nhiên, gây tổn thương, viêm nhiễm hậu môn, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, táo bón mạn tính…

4. Làm sao trị táo bón an toàn?

Để điều trị táo bón hiệu quả và an toàn cho trẻ, BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyên:

 Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ.

- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

- Việc dùng thuốc còn tùy thuộc vào tình trạng, giai đoạn bệnh của trẻ. Do đó, không tự ý tăng giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

- Khi thấy trẻ có bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào cần trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Theo sukhoedoisong.vn