Việc cắn móng tay nghiêm trọng vào nhóm bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần

1. Uống nhiều cà phê vào buổi chiều: Rối loạn chức năng tuyến giáp

Nếu một người cần nhiều cà phê vào cuối ngày, họ có thể có vấn đề về nội tiết tiềm ẩn do tuyến giáp bị rối loạn. Mệt mỏi mạn tính là dấu hiệu chính cho thấy tuyến giáp không sản xuất đủ các hoóc môn kiểm soát việc sử dụng năng lượng của cơ thể, theo MSN.

Khi cảm thấy mệt mỏi, người ta thường uống cà phê. Nhưng caffeine, mặc dù là chất kích thích, lại có tác dụng ức chế chức năng tuyến giáp, thậm chí kéo dài đến bốn giờ sau khi tiêu thụ, theo Alyson Pidich, giám đốc y tế của Trung tâm Ash (Mỹ).

2. Thở khò khè: Bệnh trào ngược dạ dày

Một người có thể bị trào ngược a xít mà không bị ợ nóng. Thật ngạc nhiên, thở khò khè lại là một dấu hiệu khác của trào ngược dạ dày. Cũng như bệnh phổi, bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng gây thở khò khè. Sự kích thích của thực quản có thể dẫn đến các triệu chứng từ đau bụng đến thở khò khè.
Thở khò khè, với tiếng rít trong lồng ngực trong trường hợp này là do tắc nghẽn đường dẫn khí, xảy ra ở bệnh nhân bị trào ngược dạ dày vì khí a xít từ dạ dày trào lên thực quản và đi vào phổi, gây sưng đường thở, theo MSN.

3. Ngáy: Bệnh tim

Ngáy là dấu hiệu phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ. Mối liên hệ của nó với bệnh tim vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng một nghiên cứu năm 2013 cho thấy ngáy có thể gây dày và bất thường ở động mạch cảnh, một mạch máu lớn ở cổ cung cấp máu cho não, cổ và mặt.

Ngáy thậm chí có thể là biểu hiện của thừa cân, hút thuốc và cholesterol cao khiến động mạch cảnh dày lên hoặc bất thường. Nghiên cứu riêng biệt cho thấy ngáy có liên quan đến các bệnh tim mạch như đột quỵ, tăng huyết áp và đau tim, theo MSN.

4. Ăn nhiều nhưng luôn thấy đói: Bệnh tiểu đường

Để có được năng lượng cần thiết, cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose. Các tế bào trong cơ thể sẽ sử dụng insulin, để chuyển đổi glucose thành năng lượng. Tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường, cơ thể có thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng hiệu quả nguồn insulin, theo MSN.
Kết quả là chỉ một ít glucose được chuyển thành năng lượng, và đa số lượng đường bị tích lũy trong máu. Việc thiếu năng lượng, khiến cơ thể mệt mỏi hơn bình thường, tạo cảm giác đói.
Tuy nhiên, ăn không giải quyết được vấn đề, vì dù ăn bao nhiêu, glucose cũng không được chuyển đổi thành năng lượng, mà chỉ khiến cho lượng đường trong máu cao hơn.

5. Luôn thấy lạnh mặc dù trời ấm: Vấn đề về tuyến giáp

Các vấn đề về tuyến giáp có thể gây nhầm lẫn với bộ điều nhiệt bên trong cơ thể. Tuyến giáp hoạt động kém làm cho các tế bào không sản xuất đủ năng lượng để cơ thể sử dụng, khiến luôn có cảm giác ớn lạnh.
Ngược lại, khi tuyến giáp hoạt động quá mức khiến các tế bào sản xuất năng lượng rơi vào tình trạng quá tải, gây đổ mồ hôi.

6. Ăn rất ít nhưng đã thấy rất no

Ung thư dạ dày có thể khiến người bệnh cảm thấy rất no, đặc biệt là ở vùng bụng trên, ngay cả khi chỉ mới ăn được rất ít. Triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh khác, theo MSN.
Tuy nhiên, cần cảnh giác vì nhiều dấu hiệu thường không xuất hiện cho đến khi ung thư tiến triển. Chỉ 1/5 người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn đầu.

7. Thức giấc nhiều lần trong đêm: Ngưng thở khi ngủ

Thường xuyên ngừng thở, thường kéo dài khoảng 10 giây, trong khi ngủ, có thể làm bạn thức giấc nhiều lần trong đêm. Sự gia tăng của khí CO2 là nguyên nhân khiến bạn thức giấc và chu kỳ lặp lại suốt đêm. Giấc ngủ không ổn định và nồng độ ô xy trong máu thấp do ngưng thở có thể dẫn đến mệt mỏi mạn tính, tăng huyết áp, bệnh tim, lo lắng, và các vấn đề về trí nhớ.

8. Thường xuyên gãi: Bệnh celiac hay không dung nạp gluten

Bệnh celiac là phản ứng miễn dịch của cơ thể khi ăn gluten, một loại protein có trong lúa mì, và lúa mạch. Da ngứa và nổi mẩn đỏ là những dấu hiệu phổ biến của tình trạng này. Xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công da khi cơ thể hấp thụ gluten.
Đầu tiên có thể cảm thấy nóng rát quanh khuỷu tay, đầu gối, da đầu, mông và lưng. Tình trạng này thường xảy ra đầu tiên ở tuổi thiếu niên và phổ biến hơn ở nam giới.
Phương pháp điều trị duy nhất là chế độ ăn không có gluten, tránh các loại thực phẩm như bánh mì, mì Ý, ngũ cốc ăn sáng, bánh ngọt, bánh quy, nước tương và bia, theo MSN.

9. Thay đổi chữ viết: Parkinson

Parkinson là một bệnh do hệ thống thần kinh ảnh hưởng đến sự vận động và thường biểu hiện bằng việc run. Chữ viết trở nên nhỏ hơn và sát nhau hơn, do độ cứng của cơ tay và ngón tay. Thói quen viết chữ nhỏ xuất hiện ở khoảng một nửa số bệnh nhân.
Ở bệnh nhân Parkinson, tế bào thần kinh sản xuất dopamine, dần dần chết, làm cắt đứt tín hiệu từ não đến các tế bào thần kinh, dẫn đến độ cứng và thay đổi trong chữ viết tay.

10. Cắn móng tay: Trầm cảm

Cắn móng tay có liên quan đến lo lắng và căng thẳng. Thói quen xấu này có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Các đánh giá y tế cho thấy 80% trẻ em và hơn 50% người lớn cắn móng tay, bị một dạng rối loạn tâm thần, chủ yếu là trầm cảm, theo MSN.
Vào năm 2013, Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã xếp việc cắn móng tay nghiêm trọng vào nhóm bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần.
                                                                                                                                                                                                                    Theo Thanh Niên