Những dấu hiệu này thường rất đơn giản và hay mắc phải trong cuộc sống hàng ngày: đau hốc mắt, mỏi mắt, khô mắt... nên thường hay bị bỏ qua hoặc không chú ý. Chỉ đến khi chúng gây ra sự khó chịu, đau nhức ngoài sức tưởng tượng thì bệnh nhân mới tìm cách khắc phục. Chính vì chủ quan đã khiến cho mắt bị yếu đi, suy giảm thị lực và ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt, lao động.
Một số dấu hiệu bất thường ở mắt
- Khô mắt và cay mắt thường xuyên: Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do sử dụng máy tính quá nhiều hoặc thay đổi thời tiết; tác dụng phụ của một số loại thuốc đang sử dụng; do tuổi tác; hoặc tuyến nước mắt gặp vấn đề nên làm việc kém hiệu quả…Nếu khô mắt không đi kèm các biểu hiện bất thường khác thì người bệnh có thể sử dụng nước mắt nhân tạo theo chỉ dẫn của bác sĩ để khắc phục.
Mọi sự thay đổi bất thường của đôi mắt đều có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó.
- Ngứa và sưng mắt: Xảy ra thường xuyên hoặc theo mùa là những dấu hiệu thường gặp của người bị dị ứng phấn hoa, dị ứng thời tiết hay bụi bẩn. Trong trường hợp này, có thể sử dụng thuốc tra mắt theo chỉ định của bác sĩ.
- Đau và nhức mỏi mắt: là hiện tượng phổ biến cảnh báo của chứng rối loạn điều tiết, đặc biệt khi người bệnh trong trạng thái thiếu ngủ lâu ngày hoặc sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài khiến cho mắt không được nghỉ ngơi gây ra tình trạng đau, nhức mỏi mắt. Ngoài ra, nếu người bệnh mắc phải chứng tăng nhãn áp cũng có thể gây ra tình trạng đau nhức mắt.
- Mờ mắt: có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau: rối loạn điều tiết, mắt có tật khúc xạ, đục thủy tinh thể tuổi già, tăng nhãn áp, viêm nhiễm tại mắt... Đây là một trong những dấu hiệu bất thường nguy hiểm. Nếu thấy thị lực suy giảm, nhìn mờ thì người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
- Mắt bị đỏ: Đỏ mắt là hiện tượng rất thường xuyên có thể là do dị ứng hoặc khô mắt gây ra. Nếu mắt quá khô có thể làm cho các mạch máu nhỏ trên kết mạc bị vỡ gây ra kết mạc mắt bị đỏ, người bệnh có thể tra thuốc theo đơn của bác sĩ để làm giảm tình trạng này. Tuy nhiên, nếu đỏ mắt đi kèm với các triệu chứng nóng rát, có gỉ mắt, sưng mắt… cần phải đi khám càng sớm càng tốt.
- Xuất hiện những đốm đỏ trong mắt: có thể đó là những mạch máu li ti dưới kết mạc bị vỡ ra khi phải chịu một tác động nào đến mắt như: phẫu thuật, va chạm... Thông thường thì những đốm đỏ này sẽ tự tan sau vài ngày hoặc 1 tuần. Ngoài ra, đốm đỏ trong mắt cũng có thể xảy ra với người bệnh tiểu đường khi lượng đường trong máu quá nhiều sẽ khiến cho các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn, sưng lên và bị vỡ. Trường hợp này, nếu không được xử trí kịp thì sẽ khiến cho thị lực suy giảm nghiêm trọng.
- Vệt đen trong tầm nhìn: có thể là dấu hiệu cảnh báo võng mạc bị rách, bong võng mạc, bong dịch kính,... Người bệnh cần phải nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, bác sĩ chẩn đoán và điều trị phù hợp vì nếu chậm trễ có thể làm giảm thị lực nhanh chóng.
Đỏ mắt có thể là do dị ứng hoặc khô mắt gây ra.
Cách chăm sóc mắt
Đôi mắt thường xuyên phải chịu tổn thương do các tác động bên ngoài, nên cần phải được chăm sóc đặc biệt. cần chăm sóc mỗi ngày bằng cách:
- Nên khám mắt định kỳ để tầm soát bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
- Cần cung cấp dưỡng chất cần thiết cho đôi mắt bằng những thực phẩm chứa omega 3, vitamin A, vitamin C...
- Nên hạn chế dùng các thiết bị điện tử trong thời gian dài. Nếu làm việc với máy tính cần phải có kế hoạch cho mắt nghỉ ngơi và thư giãn.
- Cần bảo vệ mắt khỏi những tác nhân gây nguy hiểm cho mắt: ánh sáng mặt trời, khói bụi…
- Nên rửa tay thật sạch trước khi chạm vào mắt; Khi đi ngoài trời nắng phải đeo kính râm.
- Tránh những tổn thương trực tiếp lên mắt trong khi làm việc, chơi thể thao hay tai nạn...
- Nên tập thể dục cho mắt để giúp tầm nhìn được tốt hơn.
Hãy chú ý hơn đến đôi mắt và phải nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra nếu như phát hiện những dấu hiệu bất thường ở mắt.
Theo suckhoedoisong.vn