Da mặt bị sạm đen: Sắc mặt sạm đen phần lớn là do chức năng gan bị tổn thương, thậm chí là dấu hiệu của ung thư gan. Điều này là do khả năng chuyển hóa melanin của gan bị giảm và chậm lại trong da. Đặc biệt nếu kèm theo đầy hơi, đau bụng, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn, bạn nên đi kiểm tra sớm. Ảnh: Thepinkfoundry.
Nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi đổi màu sẫm: Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), khối u ung thư da ác tính có thể xuất hiện dưới dạng một nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi cũ thay đổi kích thước, hình dạng và màu sắc (thâm đen, sẫm màu). Nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng phổ biến hơn ở những vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. Một số loại hiếm hơn ảnh hưởng đến mắt, lòng bàn chân, lòng bàn tay hoặc bộ phận sinh dục. Ảnh: Skinclinic.
Cổ, nách đen: Những vùng da có nếp gấp dày lên, tăng sắc tố (chuyển đen) như cổ, nách và bẹn thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh gai đen. Tình trạng này thường liên quan đến bệnh tiểu đường và kháng insulin, rối loạn nội tiết tố, một số trường hợp hiếm là u ác tính. Ngoài ra, vùng nách bị thâm đen kèm theo hạch bạch huyết to, cử động chi trên bị hạn chế hoặc cảm giác đau rõ ràng, bạn nên kiểm tra nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Ảnh: NHS.
Răng đen: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư miệng. Đặc biệt, người mắc bệnh này dễ bị tổn thương ở niêm mạc miệng. Ngoài ra, các triệu chứng như cứng và loét, răng lung lay, khó mở miệng cũng có thể xảy ra. Ảnh: Bruneldentalpractice.
Môi thâm đen: Khi các tế bào ung thư môi phát triển, vùng da ở môi có thể chuyển sang màu nhợt hơn hoặc đen sạm lại, thô dày hoặc xơ cứng. Người mắc bệnh ung thư môi cũng có cảm giác tê đau, ngứa, vết loét chảy máu, khó lành trên môi. Ngoài ra, màu sắc môi tím tái, thâm đen kết hợp với da môi khô, mệt mỏi, chán ăn thường gặp ở bệnh nhân ung thư gan hoặc dạ dày. Ảnh: Rjclinic.
Vạch đen trên móng tay: Theo tạp chí Popsugar, vệt màu nâu hoặc đen trên móng tay có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư hắc tố. Các vệt tối màu này thường chạy theo chiều dọc móng, có màu nâu hoặc đen trên móng tay, màu sắc có thể từ nhạt đến đậm. Chúng thường xuất hiện trên ngón tay cái hoặc ngón chân cái của bàn tay, bàn chân thuận, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ móng nào. Ảnh: Popsugar.
Tay chân hay có vết bầm tím hoặc đen: Theo Verywell Health, những vết bầm tím, thâm đen do tụ máu không rõ lý do, không bị tác động vật lý rất có thể là dấu hiệu ung thư máu, ung thư tủy xương. Người đang bị rối loạn nội tiết nghiêm trọng hoặc mắc bệnh rối loạn chảy máu (haemophilia) cũng dễ bị bầm tím một vùng da lớn, lâu khỏi. Vì vậy, bạn nên đi khám sớm nếu thường xuyên thấy những vết bầm tím xuất huyết bất thường, dày đặc, không rõ nguyên nhân. Ảnh: Prevention.
Theo lifestyle.znews