Nổi gân xanh dễ nhìn hơn khi vận động - Ảnh Internet
Gân xanh nằm dưới lớp da được gọi là tĩnh mạch. Rất nhiều người tỏ ra lo lắng khi thấy trên cơ thể nổi gân xanh. Vậy khi nào nổi gân xanh là hiện tượng tự nhiên, khi nào là do yếu tố sức khỏe gây nên?
1. Khi nào nổi gân xanh là hiện tượng bình thường?
Là mạch máu thuộc hệ tuần hoàn của cơ thể, có tác dụng dẫn máu về tim. Tĩnh mạch đóng vai trò quan trọng trong việc mang máu đã sử dụng về tim và đến các cơ quan giúp lọc máu như thận và gan.
Có đôi lúc hiện tượng nổi gân xanh là đang nói lên tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, gân xanh nổi lên chỉ là hiện tượng bình thường và không gây ảnh hưởng cho sức khỏe:
Nổi gân xanh do người quá gầy: Đối với những người gầy, yếu thì lượng chất béo có trong cơ thể lúc này rất ít. Do vậy gây ra hiện tượng lớp mỡ dưới da mỏng, không thể che phủ được các đường gân xanh nên khiến chúng dễ nhìn thấy hơn so với người có thể trạng bình thường.
Hiện tượng nổi gân xanh do màu da nhạt: Chúng ta có thể thấy những người da trắng sẽ dễ nhìn thấy hơn người da đen. Ngoài ra, người có lớp da dày hay mỏng cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt rất lớn.
Nổi gân xanh dễ nhìn thấy hơn khi vận động mạnh: Khi bạn vận động, cơ bắp được hoạt động bằng cách phồng lên và đẩy các tĩnh mạch lên trên bề mặt da. Tuy nhiên, sau khi kết thúc việc tập luyện cơ bắp trở về trạng thái ban đầu thì gân xanh lúc này cũng sẽ mờ dần đi.
Phụ nữ mang thai cũng dễ nổi gân xanh: Để có thể nuôi dưỡng thai nhi thì thể tích máu của người mang thai sẽ cao hơn so với người bình thường. Do vậy, trong quá trình mang thai bạn đột nhiên sẽ nhìn thấy những gân xanh nổi lên bề mặt da. Bạn cũng đừng quá lo lắng về tình trạng này bởi gân xanh sẽ biến mất sau khi bạn sinh con.
2. Nổi gân xanh do yếu tố sức khỏe gây nên
Nếu bạn thấy tĩnh mạch của mình nổi cục nhấp nhô lên bề mặt da, lúc này hiện tượng nổi gân xanh sẽ không còn là phản ứng tự nhiên nữa. Mà thay vào đó chúng sẽ biểu hiện rõ tình trạng sức khỏe của bạn đang không được tốt.
Nếu thấy xuất hiện gân xanh ở những bộ phận khác của cơ thể, bạn nên lưu ý và đi khám ngay để biết được bệnh và có những cách điều trị phù hợp nhất. Bởi hiện tượng nổi gân xanh là dấu hiệu báo tĩnh mạch của bạn lúc này đang bị tổn thương, gân xanh càng to cho thấy bệnh tình càng nặng và thời gian bạn mắc bệnh càng lâu.
Những biểu hiện bệnh tật trong cơ thể có thể quan sát được qua hiện tượng nổi gân xanh ở một số bộ phận như:
Nổi gân xanh ở vùng cổ: Nếu gân xanh nổi trên vùng cổ có thể báo hiệu cho cơ thể 2 tình huống là chức năng của tim có vấn đề hoặc bạn đang gặp phải tình trạng viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim. Lúc này tuyệt đối không nên chủ quan mà hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh ngay.
Nổi gân xanh ở cổ - Ảnh Internet
Gân xanh nổi trên da đầu: Nếu trên đầu xuất hiện gân xanh bạn cần chú ý đến các chứng chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, xơ cứng động mạch não,...
Gân xanh xuất hiện ở vùng bụng: Bạn cần lưu ý đến các biểu hiện của bệnh gan hoặc các khối u.
Hiện tượng gân xanh nổi ở tay và bàn tay: Nếu gân xanh tập trung nhiều ở dưới da tay hoặc mu bàn tay là biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch. Bệnh này thường xuất hiện ở những người lớn tuổi. Khi tĩnh mạch nổi nhiều cho thấy các chất thải đọng lại dưới lưng và eo nhiều sẽ gây ra hiện tượng mệt mỏi, căng thẳng và đau lưng.
Gân xanh nổi lên ở bìu: Ở một số nam giới, nếu quan sát kĩ sẽ thấy gân xanh nổi lên rất nhiều ở vùng bìu. Đây là dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Trong trường hợp gân xanh xuất hiện nhiều có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của chất lượng tinh trùng. Vì vậy khi thấy tĩnh mạch nổi lên nhiều cần thực hiện thăm khám để biết rõ tình trạng bệnh và có những hướng điều trị phù hợp.
Gân xanh nổi ở chân: Đối với những trường hợp nặng không được điều trị có thể gây ra viêm loét, đặc biệt đối với vùng cổ chân dễ hình thành những cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn. Nghiêm trọng hơn có thể lan lên phổi gây ra hiện tượng tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong.
Nắng Mai