Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thiên Tài, Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: mề đay là một bệnh lý dị ứng thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Dịch tễ học cho thấy khoảng 20% dân số ít nhất bị mề đay một lần trong đời. Bệnh có đặc điểm là phát các hồng ban sẩn phù trên da với các hình dạng như hình tròn, hình bầu dục, hình vòng đa cung kèm ngứa.
Mề đay được chia làm 2 thể là thể cấp tính và mạn tính. Với thể cấp tính, các triệu chứng thường sẽ hết trong vòng dưới 6 tuần. Nếu các triệu chứng kéo dài dai dẳng trên 6 tuần thì được gọi là thể mạn tính.
Về nguyên nhân thì có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh mề đay như các yếu tố đóng vai trò là dị ứng nguyên như thức ăn, chất phụ gia, chất bảo quản, thuốc, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, nhiễm ký sinh trùng, kể cả yếu tố môi trường như thời tiết, ánh nắng mặt trời, nhiệt độ nóng lạnh...
Nhiều trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng được xếp vào nhóm mề đay mạn tính nguyên phát. Sinh bệnh học của mề đay là do rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch tạo ra các hóa chất trung gian như histamine, prostaglandin, leutriene gây ra triệu chứng trên lâm sàng. Mề đay có thể nổi tại nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó các bộ phận thường gặp như mặt, cổ họng, cánh tay và chân, lưng, mông...
Để phòng ngừa nổi mề đay, người dân nên giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không nên mặc quần áo làm từ những vật liệu dễ gây kích ứng da, giữ vệ sinh cơ thể, hạn chế tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng như lông chó mèo, phấn hoa, bụi bẩn, nếu có tiền sử nổi mề đay cần chú ý các tác nhân từng gây dị ứng...
"Bệnh mề đay không liên quan đến bệnh gan, tuy nhiên nhiều bệnh lý gan như xơ gan, vàng da tắc mật cũng gây ra tình trạng ngứa. Vì vậy người bệnh khi có triệu chứng ngứa, nổi ban đỏ trên da thì cần phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị thích hợp", bác sĩ Tài khuyến cáo.
Theo Thanh niên