Chuyên trang sức khỏe Better Health Channel cho hay khi một người tức giận, cơ thể của họ sẽ kích hoạt một phản ứng sinh lý được gọi là "tăng nhạy cảm quá độ", hay còn gọi là phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" (Fight-or-Flight Response). Đây cũng là nguyên nhân khiến nóng giận không có lợi cho sức khỏe.
Cụ thể, khi phản ứng tăng nhạy cảm quá độ được kích hoạt, tuyến thượng thận sẽ làm cơ thể tràn ngập trong các hormone gây căng thẳng, chẳng hạn như adrenaline và cortisol.
Não sẽ đẩy máu ra khỏi ruột và hướng tới cơ bắp, nhằm chuẩn bị cho các hoạt động thể chất cần sức có thể xảy ra. Nhịp tim, huyết áp, hô hấp và nhiệt độ cơ thể cùng tăng, da cũng đổ mồ hôi.
Dòng chảy liên tục của các hormone gây căng thẳng cùng những thay đổi bất thường trong trao đổi chất lúc cơn tức giận không được kiểm soát sẽ khiến cơ thể đối mặt với các nguy cơ sức khỏe như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, đau tim, mất ngủ hay thậm chí đột quỵ.
Ngoài ra, trong dài hạn, người thường xuyên tức giận còn dễ mắc các bệnh như béo phì, đau nửa đầu, trầm cảm, lo âu, gây tổn thương tim, gan, dạ dày và cả hệ miễn dịch. Hơn nữa, não của họ cũng bị lão hóa nhanh hơn. Vì khi cơn giận ập đến, não sẽ phải chịu rất nhiều áp lực, trong khi lượng oxy cần thiết đổ về không đủ, gây hại cho não.
Về bản chất, nóng giận là tự làm hại sức khỏe của chính mình trước tiên. Bên cạnh đó, nó cũng làm suy giảm chất lượng các mối quan hệ và khiến người khác cũng dễ bị tổn hại tương tự về tinh thần và thể chất. Do đó, cần nhanh chóng chế ngự cơn nóng giận trước khi nó có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, theo Better Health Channel.
Theo Thanh niên