Andy Hoàng, sinh viên điều dưỡng mới tốt nghiệp (giữa), chụp ảnh cùng đồng nghiệp Lisa Davenport (trái) và giám sát điều dưỡng lâm sàng Justina Terino trong phòng đào tạo cấp cứu tim mạch tại Trung tâm Y tế Dartmouth-Hitchcock
Andy Hoàng (giữa) chụp ảnh cùng đồng nghiệp Lisa Davenport (trái) và giám sát điều dưỡng lâm sàng Justina Terino trong phòng đào tạo cấp cứu tim mạch tại Trung tâm Y tế Dartmouth-Hitchcock

 

Andy Hoàng háo hức bắt đầu công việc điều dưỡng tại bang New Hampshire với mong muốn trở thành chuyên gia về chăm sóc tim mạch.

Cô rất hào hứng khi tham dự buổi thực hành vào tháng 11/2023 về cách ứng phó với người bị ngừng tim. Nhưng khi buổi học đang diễn ra tại Trung tâm Y tế Dartmouth-Hitchcock, Andy bắt đầu chóng mặt và buồn nôn và cảm thấy mình cần phải ngồi xuống.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Associated Press, cô nói: “Đó là điều cuối cùng tôi nhớ. Tôi tỉnh dậy trong một căn phòng đầy bác sĩ và điều dưỡng”.

Andy Hoàng đã bị ngừng tim. Các đồng nghiệp của cô thay vì thực hành ép ngực cho ma-nơ-canh, họ áp dụng bài học vào thực tiễn để cứu Andy.

Người hướng dẫn Lisa Davenport cho biết: “Một người kiểm tra động mạch cảnh của cô ấy, một người khác kiểm tra động mạch đùi của cô ấy và cả hai đều kết luận không có mạch đập”.

Các điều dưỡng bắt đầu hô hấp nhân tạo và đội cấp cứu y tế “mã xanh” được gọi đến ngay lập tức.

Cô Davenport nói thêm: “Điều thực sự căng thẳng là chúng tôi chưa bao giờ có ca “mã xanh” thực sự ở trung tâm. Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm huấn luyện cho các điều dưỡng”.

Cô Davenport hét lên cầu cứu. May mắn, đội chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Lebanon đang tham gia một buổi học khác ở gần đó đã chạy đến. Thêm nhiều điều dưỡng đến và dùng máy khử rung tim để theo dõi tình trạng của Andy, đồng thời họ đặt dây truyền tĩnh mạch và cho cô thở ô xy.

Andy Hoàng tỉnh dậy khi đội cấp cứu đến. Ước tính khoảng 15 phút trôi qua kể từ khi cô ngã xuống cho đến khi được đồng nghiệp đưa lên cáng đến phòng cấp cứu.

Andy Hoàng quay lại nơi cô bị ngừng tim tại Trung tâm Y tế Dartmouth-Hitchcock
Andy Hoàng quay lại nơi cô bị ngừng tim

 

Cô Davenport chia sẻ: “Ca cấp cứu đã thành công nhưng nó khá đáng sợ đối với tất cả chúng tôi. Bạn không thể nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra với một người trẻ như Andy”.

Charmaine Martin, một trong những điều dưỡng tại hiện trường, đồng ý rằng đó là khoảnh khắc đáng sợ nhưng cũng là khoảnh khắc “nơi tôi nhìn thấy và cảm thấy được sự hỗ trợ từ tất cả mọi người”. Cô nói thêm: “Chúng tôi làm việc như một đội ăn ý”,

Quay lại làm việc sau khoảng thời gian nghỉ ngơi, Andy Hoàng nói cô không thể tin được chuyện đã xảy ra.

“Tôi tự tin rằng mình mới 23 tuổi và khá khỏe mạnh, thể chất ở mức trung bình. Tôi đến phòng tập thể dục 4 lần mỗi tuần, chạy bộ và ăn uống đầy đủ. Tôi phải đứng 12, 13 giờ mỗi ngày tại nơi làm việc, vì vậy tôi muốn đảm bảo rằng mình có đủ thể lực để làm việc đó”.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ngừng tim, tình trạng mất chức năng tim đột ngột, gây ra hơn 436.000 ca tử vong ở nước này mỗi năm. Nó khác với cơn đau tim, xảy ra khi dòng máu đến tim bị chặn.

Một người có thể bị ngừng tim sau khi bị đau tim, nhưng các tình trạng khác cũng có thể làm gián đoạn nhịp tim và dẫn đến ngừng tim. Trong đó bao gồm cơ tim dày lên hoặc bệnh cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim,...

Andy Hoàng lớn lên ở Việt Nam và đến Mỹ vào năm 2016 để du học. Gia đình cô không có tiền sử bệnh tim. Cô sống với một gia đình bản địa ở Montana trước khi lấy bằng điều dưỡng ở Michigan và sau đó chuyển đến New Hampshire.

Trải nghiệm này đã củng cố mối quan hệ của cô với các điều dưỡng khác, Andy hiện coi họ như những người bạn thân nhất. Cô nói: “Về cơ bản, chúng tôi đã trải qua toàn bộ trải nghiệm sinh tử này”.

N.H. Hoàng (23 tuổi) bắt đầu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn trong buổi tập huấn tim mạch gần đây tại bệnh viện. May mắn, cô được người hướng dẫn và các đồng nghiệp cấp cứu ngay lập tức để qua cơn nguy kịch
Andy Hoàng cho biết cô đã thay đổi quan điểm về cách nhìn nhận cuộc sống sau khi xảy ra sự cố

 

Nữ điều dưỡng trẻ thổ lộ: “Trải nghiệm thực sự đã thay đổi quan điểm của tôi về cách nhìn nhận cuộc sống, như “Hãy ôm gia đình bạn lâu hơn một chút”, “Hãy nói với họ rằng bạn yêu họ”, vì đây có thể là lần cuối cùng bạn nói điều đó với họ. Đồng thời hãy luôn trân trọng cuộc sống vì những gì bạn đã được ban tặng. Nó quý giá và tôi đã không nhận ra nó quý giá như thế nào cho đến khi suýt đánh mất nó”.

Theo phụ nữ TPHCM