|
|
Nữ điều dưỡng Dương Thị Hồng nhận giấy khen vì hành động quyết liệt cứu nạn nhân đuối nước |
Trong kỳ nghỉ cùng gia đình, chị Dương Thị Hồng bất ngờ gặp một bé trai bị đuối nước đang được sơ cứu. Là điều dưỡng viên của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chị phát hiện, thao tác sơ cứu bị sai cách.
Ngay lập tức chị Hồng chạy tới, giới thiệu mình là điều dưỡng và quyết liệt yêu cầu đặt cháu bé xuống mặt phẳng cứng để tiến hành cấp cứu. Sau khi kiểm tra, thấy trẻ không còn dấu hiệu sinh tồn, chị nhanh chóng thực hiện ép tim, thổi ngạt trong khoảng 3-4 phút. May mắn, cháu bé nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện gần nhất. Hiện, sức khỏe của cháu ổn định, mọi sinh hoạt, học tập trở lại bình thường.
Ngày 23/5, biểu dương bản lĩnh nghề nghiệp cùng tinh thần quyết tâm vì người bệnh. Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương Nguyễn Trung Anh đã trao tặng giấy khen và phần thưởng dành cho điều dưỡng Dương Thị Hồng.
Gặp lại người đã giành lại con mình từ lưỡi hái tử thần, mẹ cháu bé không giấu được xúc động. Chị cho hay, khi con trai gặp lại, chị không có mặt nhưng được nghe kể lại hành động dũng cảm, quyết liệt của chị Hồng. “Với gia đình tôi, đó là điều quá may mắn”, chị nghẹn ngào gửi lời cảm ơn tới điều dưỡng Dương Thị Hồng.
Là một điều dưỡng viên, người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, chị Dương Thị Hồng khiêm tốn cho hay, việc làm của mình giống như một thứ “bản năng” nghề nghiệp: “Khi thấy tính mạng cháu bé nguy kịch, sơ cứu chưa đúng cách, tôi chỉ nghĩ làm sao để có thể giúp cháu được cấp cứu kịp thời”.
Bên cạnh sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, qua tình huống trên, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng nhấn mạnh, việc cập nhật kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết giúp tăng khả năng cứu chữa người bệnh.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, trong cấp cứu đuối nước, có rất nhiều sai lầm hay gặp phải. Thứ nhất là dốc ngược nạn nhân và chạy lòng vòng. Động tác này làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.
Thứ hai, cho trẻ nằm sấp trên cái lu được để rơm nung cháy bên trong, lăn lu qua lại nhằm mục đích “rút nước” trong cơ thể trẻ ra. Biện pháp này làm chậm thời gian cấp cứu, nguy cơ bỏng cho trẻ.
Khi nạn nhân ngừng thở, ngưng tim, cần cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn trong lúc chờ nhân viên y tế tới cấp cứu. Điều này giúp cho não không bị thiếu ô xy. Vì vậy, tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.
Theo phụ nữ TPHCM