Theo Thông tư 09/2023/TT-BYT (gọi tắt là Thông tư 09/2023) do Bộ Y tế ban hành ngày 5.5: "Đối với lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản, bao gồm khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung (bằng các kỹ thuật: nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch acid acetic (VIA test), nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch lugol (VILI test), xét nghiệm tế bào cổ tử cung, xét nghiệm HPV) và sàng lọc ung thư vú (thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm tổn thương vú bằng ít nhất một trong các kỹ thuật: khám lâm sàng vú, siêu âm tuyến vú hai bên, chụp X-quang tuyến vú). Thực hiện siêu âm tử cung - phần phụ khi có chỉ định của bác sĩ khám".

Riêng với sàng lọc ung thư cổ tử cung, Thông tư 09/2023 nêu rõ "chỉ thực hiện nếu tiếp cận được bằng đường âm đạo và có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được nhân viên y tế tư vấn". Thông tư 09/2023 có hiệu lực thi hành từ 20.6.2023.

Về chi phí khám sức khỏe, theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân đề nghị khám sức khỏe phải trả chi phí cho cơ sở khám sức khỏe theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo thỏa thuận giữa hai đơn vị, trừ các trường hợp được miễn hoặc giảm theo quy định của pháp luật.

Theo Thanh niên