Nước dừa là một loại nước giải khát tự nhiên có nhiều lợi ích sức khỏe. Đồ uống này không những tươi, ngon mà còn không chứa chất làm ngọt nhân tạo và chất bảo quản. Nước dừa đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tổng thể cho nhiều người và là một thức uống tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.
Theo các chuyên gia y tế, nước dừa hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường và có khả năng làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, đã có những lo ngại về việc sử dụng nó cho những người mắc bệnh đái tháo đường, vì một số người tin rằng nó làm tăng lượng đường trong máu.
1. Lợi ích sức khỏe của nước dừa
Đồ uống tự nhiên như nước dừa, có nhiều chất điện giải, là một nguồn hydrat hóa tuyệt vời và mang lại lợi ích tổng thể cho cơ thể.
1.1 Giàu chất chống oxy hóa
Khi có quá nhiều gốc tự do, cơ thể bạn sẽ bước vào giai đoạn stress oxy hóa, gây tổn thương tế bào và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra nước dừa có chứa chất chống oxy hóa có thể kiểm soát các gốc tự do để chúng không còn gây hại nữa.
1.2 Cải thiện lưu thông máu
Bệnh nhân đái tháo đường có thể gặp các vấn đề về tuần hoàn dẫn đến các trục trặc về thị lực và co thắt cơ. Uống nước dừa có thể giúp cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể.
1.3 Nguồn dinh dưỡng thiết yếu lành mạnh
Nước dừa chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể. Những chất điện giải này bao gồm kali, canxi, magiê, natri, sắt và axit amin. Những chất dinh dưỡng thiết yếu này giúp điều chỉnh việc sử dụng glucose của cơ thể và kiểm soát lượng đường trong máu.
1.4 Tăng cường trao đổi chất
Nước dừa có nhiều hoạt chất sinh học giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tiêu hóa nên quá trình phân hủy chất béo diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, sự linh hoạt trong quá trình trao đổi chất cho phép cơ thể bạn sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng khác nhau, bao gồm cả glucose, đảm bảo mức glucose ổn định.
1.5 Cung cấp chất điện giải tự nhiên
Nước dừa được đánh giá là một thức uống thể thao tự nhiên. Bạn có thể uống một ly nước dừa trước hoặc sau khi tập luyện cường độ cao, vì đây là nguồn cung cấp chất điện giải tự nhiên.
2. Nước dừa có ảnh hưởng tới lượng đường trong máu?
Nước dừa có hàm lượng đường thấp và chứa một lượng hợp lý kali, magie, mangan, vitamin C và L-arginine. Hàm lượng đường thấp trong nước dừa không ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu.
Hơn nữa, hàm lượng kali, magie, mangan, vitamin C và L-arginine cao có thể làm tăng độ nhạy cảm của tế bào với insulin. Do đó, nó giúp kiểm soát lượng đường trong máu và phù hợp với những người mắc bệnh đái tháo đường.
Chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết của thực phẩm xác định mức độ thực phẩm sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Chỉ số đường huyết của nước dừa là 54 (GI thấp: 1-55, GI trung bình: 56-69, GI cao: 70 trở lên), và tải lượng đường huyết là 3.
Nước dừa là lựa chọn an toàn cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì nó chứa lượng đường tự nhiên tối thiểu và chỉ số đường huyết thấp. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường uống nước dừa đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến và do đó, không gây ra các biến chứng đái tháo đường.
3. Lời khuyên để người đái tháo đường uống nước dừa lành mạnh
ThS. BS Alpa Momaya chuyên về Dinh dưỡng lâm sàng, Chế độ ăn kiêng và Quản lý cân nặng cho biết: Nước dừa có chứa một lượng nhỏ đường tự nhiên và khi bệnh nhân đái tháo đường tiêu thụ quá nhiều có thể khiến lượng đường trong máu tăng. Khi uống nước dừa không nên pha thêm đường hoặc không uống nước dừa đóng chai có pha thêm chất tạo ngọt vì sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng khuyến cáo: Nước dừa rất giàu kali nên những người bị bệnh thận mạn tính không nên uống nước dừa để tránh tạo thêm gánh nặng cho thận.
Mặc dù nước dừa không gây tăng đường huyết nhưng các chuyên gia y tế khuyên bệnh nhân đái tháo đường tốt nhất không nên uống thường xuyên hàng ngày. Người bệnh có thể thỉnh thoảng uống nước dừa nếu đường huyết được kiểm soát tốt.
Tốt nhất, người bệnh đái tháo đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng xem nước dừa có tốt cho bạn hay không. Để kiểm soát bệnh đái tháo đường, người bệnh ngoài thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp theo tư vấn của các chuyên gia còn cần chú ý tập luyện vừa đủ và theo dõi đường huyết thường xuyên.
Theo suckhoedoisong.vn