Nước tiểu bao gồm nước, muối và chất thải của thận. Sự cân bằng của các yếu tố này sẽ quyết định độ pH của nước tiểu ở tính kiềm (bazơ) hay tính axit. Theo đó, độ pH bình thường của nước tiểu là từ 4,5 - 8 pH, theo WebMD.
Nước tiểu có độ pH dưới 5 được coi là có tính axit. Nước tiểu có độ pH 8 hoặc cao hơn là có tính kiềm. Nồng độ kiềm cao trong nước tiểu là nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước tiểu của bạn chuyển sang màu đục hoặc trắng sữa.
1. Ăn gì khiến nước tiểu đục hơn?
Dưới đây là 7 loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến nước tiểu bị đục hơn bình thường mà bạn có thể tham khảo:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa đặc biệt giàu canxi và chứa phốt pho có tác dụng giúp xương chắc khỏe hơn cũng như tối ưu một số chức năng của cơ thể. Đối với hầu hết mọi người khỏe mạnh thì tiêu thụ sữa ở một lượng vừa phải không gây ra vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
|
|
Sữa đặc biệt giàu canxi và chứa phốt pho có tác dụng giúp xương chắc khỏe hơn (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, một số trường hợp khi ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều thành phần phốt pho và purin như sữa hay các chế phẩm từ sữa có thể khiến nước tiểu bị đục hơn.
Nguyên nhân là do khi hấp thụ một lượng lớn phốt pho, cơ thể sẽ giải phóng lượng phốt pho dư thừa vào nước tiểu và khiến nước tiểu có màu đục hơn. Nước tiểu có hàm lượng phốt pho cao cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thận, nồng độ vitamin D cao hoặc tình trạng tuyến giáp do có quá nhiều hormone tuyến cận giáp trong cơ thể. Đây đều là những tình trạng cần được chăm sóc y tế.
- Thịt đã qua chế biến hoặc ướp muối
Các loại thịt đã qua chế biến hoặc ướp muối như thịt xông khói, xúc xích, thịt muối, salami và pepperoni có thể làm tăng cảm giác khát nước khi tiêu thụ, dẫn tới mất nước, từ đó khiến nước tiểu sẫm màu hơn, đặc hơn hoặc đục hơn.\
|
|
Các loại thịt đã qua chế biến tăng cảm giác khát nước khi ăn nhiều (Ảnh: Internet) |
- Hải sản
Hải sản cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ giàu protein nạc, một số khoáng chất và axit béo omega-3 với tác dụng chống viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch cũng như cần thiết cho nhiều hoạt động của cơ thể.
Một số loại hải sản, đặc biệt là cá cơm, cá mòi và động vật có vỏ có hàm lượng purin cao - đây là một nhóm hợp chất mà cơ thể chuyển hóa thành axit uric. Nếu tiêu thụ với lượng lớn sẽ dẫn tới nồng độ axit uric tăng cao trong nước tiểu hay còn được gọi là tình trạng tăng uric niệu (hyperuricosuria). Kết quả là nước tiểu trở nên đục hơn.
|
|
Cá cơm chứa nhiều purin (Ảnh: Internet) |
Để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này, hãy lưu ý chọn những loại hải sản có hàm lượng purin thấp chẳng hạn như cá hồi, cá thờn bơn để thay thế. Đồng thời cũng cần lưu ý hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm khác có lượng purin cao như thịt đỏ và nội tạng động vật, lưu ý này cũng đặc biệt quan trọng đối với những người đang sẵn có các bệnh lý như bệnh gút, kháng insulin hoặc một số bệnh cần quản lý lượng axit uric trong cơ thể.
- Thực phẩm và đồ uống có đường
Fructose là thành phần chính của si rô ngô được sử dụng nhiều trong nước ngọt, đồ uống có đường, kẹo hay các loại gia vị và nước trộn salad.
Nước tiểu đục cũng có thể xảy ra do lượng đường nạp vào cơ thể quá nhiều, đặc biệt là đường fructose khi tiêu thụ với lượng lớn có thể liên quan tới tình trạng tăng uric niệu do quá trình chuyển hóa fructose có liên quan tới việc thúc đẩy hình thành axit uric. Tuy vậy thì không phải ai cũng gặp phải tác dụng phụ này. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2, béo phì hoặc hội chứng chuyển hóa có nhiều khả năng bị tăng uric niệu hơn cả.
|
|
Nước tiểu đục cũng có thể xảy ra do lượng đường nạp vào cơ thể quá nhiều (Ảnh: Internet) |
- Thức ăn mặn
Không chỉ thịt ướp muối mà các thực phẩm mặn như khoai tây chiên, các loại súp đóng hộp,... có thể trở thành nguyên nhân khiến nước tiểu đục hơn bình thường do tiêu thụ quá nhiều muối gây ra mất cân bằng chất lỏng và tích nước ở thận. Đặc biệt nếu ăn thức ăn mặn mà không uống đủ nước dẫn tới mất nước làm cho nước tiểu sẫm màu hơn và đục hơn.
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo mọi người nên tiêu thụ lượng muối ở mức 2.300 mg mỗi ngày tương đương với khoảng 1 thìa cà phê muối để giảm các nguy cơ sức khỏe liên quan tới ăn quá nhiều muối bao gồm bệnh huyết áp, bệnh thận,...
|
|
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo mọi người nên tiêu thụ lượng muối ở mức 2.300 mg mỗi ngày (Ảnh: Internet) |
- Rượu
Thỉnh thoảng uống thức uống có cồn thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe nhưng tiêu thụ với một lượng lớn rượu thì lại khác.
Rượu được coi là một chất lợi tiểu, có nghĩa là nó khiến thận bài tiết mạnh mẽ hơn. Kết quả là uống quá nhiều rượu dẫn tới mất nước. Sau một đêm uống rượu say bạn sẽ thấy nước tiểu sẫm màu và đục hơn bình thường.
Để ngăn ngừa tình trạng này, hãy đảm bảo uống đủ nước khi uống rượu để giảm nguy cơ mất nước. Đồng thời hạn chế lượng rượu bia tiêu thụ, quá nhiều bia rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh gan, ung thư và một số vấn đề sức khỏe khác.
|
|
Nên hạn chế lượng rượu bia tiêu thụ (Ảnh: Internet) |
- Cà phê và trà
Cà phê và một số loại trà chẳng hạn như trà xanh, trà đen và trà ô long chứa caffeine có thể gây ra một số tác dụng lợi tiểu lên thận và làm tăng bài tiết nước tiểu khi uống quá nhiều, dẫn tới nước tiểu có màu đục hơn hoặc đổi màu.
Tuy nhiên, cà phê, trà xanh, trà đen nguyên chất có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ giàu hợp chất hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do stress oxy hóa nên điều quan trọng là cần uống ở mức độ vừa phải và chắc chắn rằng uống nhiều nước sau khi uống cà phê hoặc trà có chứa caffeine.
|
|
Cà phê chứa caffeine có thể tăng nguy cơ mất nước khi uống quá nhiều (Ảnh: Internet) |
2. Nguyên nhân khác khiến nước tiểu có màu đục hơn bình thường
Ngoài thực phẩm thì một số bệnh lý cũng có thể khiến nước tiểu đục hơn. Đó có thể là:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, thận hoặc niệu đạo. Các triệu chứng khác kèm theo bao gồm cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiểu nhiều, tiểu són, nước tiểu có mùi hôi hoặc lẫn máu và đau vùng bụng dưới.
- Sỏi thận: Sỏi thận gây ra những cơn đau dữ dội ở bên hông và lưng dưới hoặc khi đi tiểu. Nước tiểu có thể bị đục hoặc có lẫn màu, có mùi hôi cùng các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn mửa.
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Là các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn mà bạn mắc phải từ bạn tình trong khi quan hệ tình dục . Các bệnh nhiễm trùng như chlamydia hay bệnh lậu có thể gây ra dịch tiết màu trắng đục từ dương vật hoặc âm đạo và làm nước tiểu đục. Những dấu hiệu khác của bệnh lây truyền qua đường tình dục là dịch tiết sinh dục bất thường, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ, ngứa vùng sinh dục.
|
|
Có nhiều nguyên nhân bệnh lý khiến nước tiểu đục hơn (Ảnh: Internet) |
- Xuất tinh ngược: Xảy ra khi tinh dịch thay vì đi ra khỏi cơ thể qua dương vật lại đi ngược vào bàng quang và nước tiểu sẽ đục ngay sau khi đạt cực khoái vì có chứa tinh dịch. Các vấn đề về thần kinh do bệnh tiểu đường, bệnh đa xơ cứng (MS) hoặc tác dụng phụ của thuốc có thể là nguyên nhân.
- Máu trong nước tiểu: Đôi khi, tình trạng nước tiểu đục là do máu trong nước tiểu. Máu có thể nhuộm nước tiểu màu vàng thành màu đỏ, hồng hoặc nâu. Máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt nhưng hiếm khi là dấu hiệu của ung thư đường tiết niệu.
- Các vấn đề tuyến tiền liệt: Bất kỳ tình trạng sưng tấy nào ở tuyến tiền liệt cũng có thể chặn dòng nước tiểu. Máu hoặc cặn bã sau đó có thể tích tụ trong nước tiểu bị giữ lại và làm cho nước tiểu đục hơn. Các triệu chứng khác bao gồm đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu dắt, tiểu gấp, tiểu thường xuyên hơn, máu lẫn trong nước tiểu, đau khi xuất tinh, sốt và ớn lạnh.
- Viêm âm đạo: Viêm âm đạo có thể xảy ra do vi khuẩn, do nhiễm trùng nấm men Candia hoặc bệnh Trichomonas (bệnh lây truyền qua đường tình dục, do một loại ký sinh trùng đơn bào gây ra). Triệu chứng viêm âm đạo ngoài nước tiểu đục có thể kèm theo khí hư âm đạo màu trắng đục hoặc màu xám, âm đạo có mùi hôi tanh đặc biệt sau khi quan hệ tình dục, cảm giác nóng rát khi đi tiểu, ngứa âm đạo và âm hộ.
- Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường gây ra lượng đường cao trong máu và nước tiểu. Khi lượng đường trong nước tiểu cao, nó có thể khiến vi khuẩn và nấm men mất cân bằng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và dẫn tới nước tiểu có màu đục.
|
|
Khi nào nước tiểu đục cần thăm khám bác sĩ? (Ảnh: Internet) |
3. Khi nào nước tiểu đục cần thăm khám bác sĩ?
Việc khắc phục tình trạng nước tiểu đục có thể liên quan đến một số việc đơn giản như uống đủ nước hoặc thay đổi chế độ ăn hoặc giải quyết nguyên nhân bệnh lý gây ra. Các tình trạng như nhiễm trùng, sỏi thận, viêm nhiễm hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều cần phải điều trị theo phác đồ.
Nhưng nhìn chung, nếu một người có nước tiểu đục kèm theo các triệu chứng như nước tiểu có mùi hôi tanh bất thường, nước tiểu có lẫn máu, đau rát bộ phận sinh dục, dịch tiết sinh dục bất thường hoặc nước tiểu đục kéo dài dù đã thay đổi chế độ ăn uống thì cần phải thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân.
Châu Anh/Nguồn: Healthline, WebMD