Ợ nóng (ợ chua) là tình trạng axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và gây kích thích. Hiện tượng này thường xảy ra sau bữa ăn hoặc khi bạn nằm xuống và có thể có cảm giác như nóng rát ở cổ họng hoặc đau ở ngực. Chứng ợ nóng cũng có thể biểu hiện dưới dạng ho hoặc cảm giác bạn cần phải hắng giọng liên tục. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, bạn có thể được chẩn đoán mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Chứng ợ nóng đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi do cơ thể lão hóa. Niêm mạc thực quản mỏng đi và các cơ có nhiệm vụ giữ axit trong dạ dày yếu đi khi tuổi tác ngày càng tăng.
Tăng cân cũng có thể đóng một nguyên nhân vào tình trạng này. Béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ra chứng ợ chua, vì trọng lượng tăng thêm sẽ gây áp lực lên dạ dày, đặc biệt là khi ngả lưng, đẩy axit lên cao và gây khó chịu.
|
|
Nhiều loại thuốc thông thường có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ợ nóng. |
Hầu hết mọi người đều sẽ trải qua tình trạng ợ nóng vào một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, nếu trong thời gian dùng thuốc điều trị tình trạng ợ nóng xảy ra đột ngột, rất có thể nguyên nhân là do thuốc.
1. Các loại thuốc có thể gây ợ nóng
Nhiều loại thuốc thông thường có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ợ nóng, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh, chẳng hạn như tetracycline (bao gồm doxycycline) và clindamycin
- Các thuốc benzodiazepin, như valium, xanax, halcion…
- Thuốc opioid, chẳng hạn như percocet, codeine và oxycontin
- Thuốc chẹn kênh canxi, thường được kê đơn cho bệnh cao huyết áp và nitrat được dùng để điều trị đau ngực.
- Thuốc giảm đau, chẳng hạn như ibuprofen (advil) và aspirin
- Bisphosphonates dùng cho bệnh loãng xương
- Thuốc kháng cholinergic được kê đơn cho các tình trạng bao gồm hội chứng bàng quang tăng hoạt, hội chứng ruột kích thích và một số triệu chứng của bệnh Parkinson
2. Một số chất bổ sung có thể gây ợ nóng
Các chất bổ sung phổ biến làm tăng trào ngược bao gồm:
- Chất bổ sung sắt
- Glucosamine
- Cây nữ lang
- Kali…
- Vitamin, đặc biệt khi những viên thuốc có kích thước lớn và có thể mắc kẹt trong thực quản và gây kích ứng.
Ngoài ra, dùng nhiều loại thuốc hoặc thường xuyên sử dụng nhiều loại thuốc cũng có thể gây ợ nóng. Điều này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi. Ngay cả khi các loại thuốc bạn dùng không tự gây ra chứng ợ chua, thì tác dụng của nhiều loại thuốc kết hợp với nhau có thể cộng lại và gây khó chịu.
|
|
Một số chất bổ sung cũng có thể gây ợ nóng. |
3. Cách xác định ợ nóng do thuốc
Chứng ợ nóng do thức ăn gây ra thường phát triển theo thời gian. Nếu ai đó đang dùng thuốc xuất hiện tình trạng ợ nóng, trào ngược mới (nhanh chóng), thì hầu như luôn là do thuốc. Các thuốc hoặc chất bổ sung mới có thể gây ra phản ứng nhanh chóng và đáng chú ý. Vì vậy, việc theo dõi thời điểm các triệu chứng của bạn bắt đầu là điều quan trọng.
Theo TS. Tom Lamont, tại Harvard Medical, nếu bạn nghi ngờ một loại thuốc hoặc chất bổ sung nào đó gây ra chứng ợ chua, nên trao đổi với bác sĩ để xem liệu có an toàn cho bản thân hoặc có thể tìm được thuốc thay thế hay không.
Tuy nhiên, đôi khi thật khó để xác định viên thuốc nào là thủ phạm. Trong trường hợp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc và tất cả các chất bổ sung - thảo mộc, vitamin, bột protein… mà bạn dùng. Liệt kê danh sách viết hoặc in ra trước khi gặp bác sĩ.
4. Cách khắc phục ợ nóng do thuốc
Cách khắc phục hiệu quả nhất là ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu không thể ngừng dùng thuốc (gây ợ nóng), có thể khắc phục bằng cách thay đổi lối sống và/hoặc dùng thuốc không kê đơn. Cụ thể:
- Để bắt đầu, không nên ăn ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ. Điều này không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, nhưng lại thực sự có ích.
- Nên chia những bữa ăn lớn thành những bữa ăn nhỏ và ăn thường xuyên hơn, tránh đồ uống có ga và thức ăn béo (cả hai đều có thể làm tăng trào ngược).
- Uống thuốc điều trị với một cốc nước đầy để đảm bảo thuốc trôi hết xuống dạ dày và tránh xa những thực phẩm nghi ngờ gây ra chứng ợ chua. Một số loại thực phẩm như rượu, sô cô la và thức ăn cay, có thể gây ra chứng trào ngược…
- Dùng thuốc khắc phục ợ chua: Hầu hết các phương pháp điều trị chứng ợ chua chính đều có sẵn tại các nhà thuốc. Các thuốc kháng axit như tums hoặc rolaids là phương pháp điều trị tác dụng nhanh cho những trường hợp ợ chua nhẹ. Thuốc chẹn histamine như pepcid, có thể hiệu quả hơn thuốc kháng axit, có tác dụng trong vòng một ngày. Thuốc ức chế bơm proton, như prilosec có thể mất vài ngày để phát huy tác dụng và là loại thuốc trị chứng ợ nóng mạnh nhất hiện nay mà không cần kê đơn. Chỉ cần chắc chắn hỏi bác sĩ lựa chọn loại nào phù hợp với bạn.
Ngoài ra, nếu chứng ợ chua khiến bạn thức giấc khi ngủ (làm ảnh hưởng đến giấc ngủ) hay khiến bạn ho ngày càng nặng hoặc nếu bạn nhận thấy khó thở hoặc tức ngực, thì đó là những dấu hiệu cảnh báo bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Theo suckhoedoisong.vn