Kiểm soát tốt căng thẳng là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp
Nhiều người bị huyết áp cao nhưng không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Đó là lý do tại sao huyết áp cao được gọi là "kẻ giết người thầm lặng".Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra huyết áp cao. Mặc dù ban đầu, không có triệu chứng, nhưng theo thời gian, huyết áp cao chính là tác nhân gây bệnh tim.
Huyết áp cao xảy ra khi huyết áp tăng đến mức không lành mạnh. Huyết áp tăng lên do các động mạch bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến áp lực máu tăng cao, làm hỏng các mạch máu.
Huyết áp cao là khi huyết áp từ 140/90 mm Hg trở lên. Mức huyết áp bình thường ở người trưởng thành là 120/80 mm Hg.
Điều nguy hiểm của chứng bệnh này là rất nhiều trường hợp không có triệu chứng. Do đó, rất khó chẩn đoán. Đó là lý do cần kiểm tra thường xuyên và tất nhiên là cải thiện lối sống để kiểm soát tốt huyết áp.
Sau đây là cách thay đổi lối sống để kiểm soát tốt bệnh huyết áp cao, theo Step To Health.
Hoạt động thể chất
Không chỉ người bị huyết áp cao mới cần tập thói quen tốt này, mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng cần tập thói quen tập thể dục.
Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để cải thiện lối sống nếu bị tăng huyết áp. Khi nhịp tim và nhịp thở tăng lên trong hoạt động thể chất, trái tim sẽ mạnh mẽ hơn, việc bơm máu sẽ ít gặp khó khăn hơn. Từ đó, có thể dẫn đến giảm áp lực máu.
Trong một nghiên cứu, những người cao tuổi vận động nhiều, đã giảm huyết áp tâm thu 3,9% và huyết áp tâm trương giảm 4,5%.
Nên hoạt động thể chất trong ít nhất 40 phút, với ít nhất 3 hoặc 4 lần một tuần. Các bài tập có thể vừa phải hoặc cường độ cao, tùy thuộc vào mức độ sức khỏe của bạn, theo Step To Health.
Giảm tiêu thụ đường
Đường và carbohydrate tinh chế có tác động lớn đến việc thừa cân và gây tăng huyết áp. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít đường có thể giúp làm giảm huyết áp.
Mặt khác, chế độ ăn hạn chế đường và carbs tinh chế tạo cảm giác no lâu hơn. Vì vậy, hãy nên ưu tiên chọn những thực phẩm lành mạnh như carbohydrate nguyên cám, protein và chất béo lành mạnh, theo Step To Health.
Ăn nhiều kali và ít natri
Nếu bạn bị huyết áp cao, nhất định phải theo dõi lượng muối ăn vào và ăn thật hạn chế.
Theo khuyến nghị này, cần ăn nhiều kali và ít natri. Kali giúp giảm căng thẳng mạch máu và làm giảm thiểu tác hại của natri.
Tuy nhiên, chế độ ăn với quá nhiều kali có thể gây hại thận. Do đó, trước khi tăng lượng kali, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Thực phẩm giàu kali gồm có các sản phẩm sữa ít béo, cá béo, chuối, mơ, bơ và cam, khoai lang, khoai tây, cà chua và rau bó xôi.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tăng huyết áp và nhịp tim. Các thành phần độc hại trong thuốc lá còn làm các thành mạch máu xấu đi, gây viêm và thu hẹp các động mạch.
Ngay cả những người hít phải khói thuốc cũng phải chịu những tác hại này. Do đó, cần tránh hoàn toàn khói thuốc lá và hít thở không khí trong lành.
Kiểm soát căng thẳng
Nếu bạn bị huyết áp cao, cần sống thư giãn thoải mái nhất có thể.
Kiểm soát căng thẳng tốt là chìa khóa để kìm hãm việc tăng huyết áp. Mặc dù nhiều người đánh giá thấp tác hại của căng thẳng, nhưng thực tế, căng thẳng làm cho nhiều bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát căng thẳng bằng một số kỹ thuật thư giãn như: Yoga và thiền, tập thở, đọc sách, châm cứu và xoa bóp, theo Step To Health.
Cần kiểm tra huyết áp định kỳ
Mặc dù những thói quen này có thể giúp cải thiện tình trạng cao huyết áp, nhưng trong một số trường hợp, bạn vẫn phải cần uống thuốc theo toa bác sĩ.
Theo
Thanh Niên