|
|
Nhờ AI, các bác sĩ có thể phát hiện sớm người có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy. Ảnh:Shutterstock. |
Nghiên cứu cho thấy các trường hợp ung thư tuyến tụy tiềm ẩn có thể được phát hiện bằng cách sàng lọc dân số dựa trên AI.
Theo Nature, sàng lọc dân số là thực hiện xét nghiệm di truyền hoặc các phương pháp tương tự để xem xét mức độ phổ biến của một đặc điểm cụ thể trong một nhóm người. Nó có thể giúp tìm ra triệu chứng riêng của một số bệnh.
Theo giáo sư Chris Sander từ Trường Y Harvard (Mỹ) kiêm giám sát nghiên cứu, công cụ trí tuệ nhân tạo này có thể phát hiện những người có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy sớm; giúp tiết kiệm thời gian, tài chính cho việc xét nghiệm của nhiều người khác cũng như giúp bác sĩ tập trung điều trị hơn.
Nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia từ Trường Y Harvard và Đại học Copenhagen (Đan Mạch) phối hợp Hệ thống Y tế VA Boston, Viện Ung thư Dana-Farber và Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan.
Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã áp dụng thuật toán AI cho dữ liệu lâm sàng của 9 triệu bệnh nhân từ Đan Mạch và Mỹ để tìm ra ai mắc ung thư tuyến tụy.
Các nhà nghiên cứu đã thử các phiên bản khác nhau của thuật toán AI để chẩn đoán vào các thời điểm khác nhau. Họ nhận ra phương pháp này cho kết quả chính xác hơn phương pháp chẩn đoán và phát hiện ung thư tuyến tụy phổ biến hiện tại.
Tuy nhiên, công nghệ này vẫn ở giai đoạn đầu và cần phải trải qua nhiều thử nghiệm.
Hiện nay, ung thư tuyến tụy là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất và rất khó phát hiện sớm.
Theo Cleveland Clinic, thông thường, bệnh nhân phát hiện mình bị bệnh khi đã nặng do ở giai đoạn đầu, khối u không xuất hiện trên các xét nghiệm hình ảnh. Khi đó, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 12,5%.
"Nhiều loại ung thư, đặc biệt là những loại khó phát hiện để điều trị sớm, gây ra thiệt hại đáng kể cho bệnh nhân, gia đình và toàn bộ hệ thống y tế", Giám sát viên nghiên cứu kiêm giáo sư ngành Hệ thống sinh học tại Đại học Copenhagen, Søren Brunak, cho biết.
Do đó, ông cho rằng sàng lọc dựa trên AI là phương pháp có thể thay đổi hệ thống điều trị ung thư tuyến tụy, căn bệnh nổi tiếng là khó chẩn đoán và điều trị sớm.
Đây không phải là công cụ dựa trên AI đầu tiên có thể tạo ra bước đột phá trong y học.
Vào tháng 3 vừa qua, các nhà nghiên cứu ở Canada đã phát triển một hệ thống AI có thể dự đoán tỷ lệ sống sót của bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan.
Không dừng lại ở đó, một nhóm các nhà khoa học khác ở Mỹ cũng phát triển một công nghệ AI có thể tìm ra dấu hiệu của bệnh ung thư phổi thông qua mẫu xét nghiệm máu.
Theo zingnews