leftcenterrightdel
 Theo các nhà khoa học, hệ thống miễn dịch mạnh mẽ có thể là nhân tố chính giúp con người kéo dài tuổi thọ

Các nhà khoa học của Đại học Tufts ở Boston (Mỹ) đã nghiên cứu DNA của 7 người sống từ 100 - 119 tuổi bằng cách xem xét các mẫu máu của họ và nhận thấy rằng tất cả đều có một điểm chung là đã từng chiến đấu với rất nhiều vi rút và ve bọ.

Trong đó, những người này có số lượng lớn tế bào B, tế bào miễn dịch và kháng thể cần thiết để chống lại "kẻ thù" là những vi rút và bệnh truyền nhiễm.

Các nhà khoa học cũng đang tìm hiểu thêm xem liệu việc nhiễm và đánh bại nhiễm trùng có phải là "chìa khóa" giúp họ sống thọ hay họ mạnh khỏe hơn là nhờ về mặt di truyền có sẵn trong hệ miễn dịch.

Tác giả chính của nghiên cứu, Paola Sebastiani, nhà thống kê sinh học tại Đại học Tufts, cho biết hồ sơ miễn dịch của những người sống hơn 100 tuổi cho thấy lịch sử tiếp xúc lâu dài với các bệnh nhiễm trùng và khả năng phục hồi sau đó là nổi trội. "Chúng tôi tin rằng những người sống 100 tuổi có các yếu tố bảo vệ  giúp họ sống sót sau đại dịch cúm Tây Ban Nha và gần đây là COVID-19" - bà nói.

"Những người sống trên 100 tuổi có hệ thống miễn dịch độc đáo, có chức năng thích nghi cao và đã chiến đấu thành công với lịch sử bị nhiễm trùng và điều đó giúp họ đạt được tuổi thọ đặc biệt" - báo cáo của các nhà khoa học từ Đại học Boston kết luận.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể nói chắc chắn liệu kết quả nghiên cứu của họ có cho thấy khuynh hướng di truyền từ những người sống hơn 100 tuổi này cho con cái họ hay không. Theo tiến sĩ Sebastiani, công việc của họ là tiếp tục đo lường và quan sát trong tương lai. “Chúng tôi sẽ theo dõi, ghi nhận con cái của những người sống thọ này bằng cách thu thập máu của họ theo thời gian. Hy vọng chúng ta sẽ sớm có câu trả lời về khả năng di truyền của những người đặc biệt này".

Theo phụ nữ TPHCM