Báo cáo công bố trên tạp chí bình duyệt Khoa học độc tính do nhóm nghiên cứu từ Đại học New Mexico (Mỹ) dẫn đầu đã xem xét mô tinh hoàn lấy từ chó và người.

Họ tìm thấy hạt vi nhựa trong mọi mẫu thí nghiệm, hàm lượng ở người cao hơn gần 3 lần so với ở chó. Trên mỗi gam mô, nhóm tác giả tìm thấy trung bình 122,63 microgam hạt vi nhựa ở chó và 329,44 microgam hạt vi nhựa ở người.

Chai lọ, túi nhựa đang đe dọa sức khỏe con người - Ảnh minh họa: AI Copilot
Chai lọ, túi nhựa đang đe dọa sức khỏe con người - Ảnh minh họa: AI Copilot

Trong số 12 loại vi nhựa khác nhau được xác định, loại nhựa polyme mà các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều nhất ở cả chó và người là polyetylen (PE). Nhựa PE được sử dụng phổ biến trong sản xuất túi nhựa và chai nhựa, đồng thời là tác nhân chính gây ô nhiễm nhựa.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy hàm lượng nhựa polyvinyl clorua (PVC) cao hơn có liên quan đến số lượng tinh trùng thấp hơn ở chó. PVC được sử dụng rộng rãi cho nhiều sản phẩm công nghiệp và gia dụng. Do đó, báo cáo quan ngại về việc nhựa có thể góp phần làm giảm số lượng tinh trùng của nam giới trên toàn thế giới - vốn đã suy giảm do tác động từ kim loại nặng, thuốc trừ sâu và nhiều loại hóa chất khác.

Nhà khoa học sức khỏe môi trường Xiaozhong Yu từ Đại học New Mexico cho biết: “PVC có thể giải phóng rất nhiều hóa chất cản trở quá trình sinh tinh và nó cũng chứa các hóa chất gây rối loạn nội tiết”.

Nhóm nghiên cứu so sánh mô tinh hoàn của chó và của con người vì cả hai có một số điểm tương đồng về mặt sinh học, đồng thời chó cũng là loài chung sống gần gũi với người.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn tác động về lâu dài của hạt vi nhựa đến cơ thể con người, ngoại trừ một số phản ứng viêm nghiêm trọng và các vấn đề với hệ tiêu hóa.

Theo phụ nữ TPHCM