Các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện các thí nghiệm trên loại virus có tên là Khosta-2, và lo ngại rằng nó “chống lại các loại vắc xin Covid-19 hiện có”, theo Daily Mail.

Họ phát hiện ra rằng Khosta-2 có thể bám vào các tế bào của con người một cách dễ dàng theo cách tương tự như SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya (Nga), cho biết họ đang tiến hành “giám sát liên tục” những con dơi sống trong Vườn quốc gia Sochi này.

Phát hiện loại virus giống SARS-CoV-2 trong cơ thể dơi ở Nga có thể lây sang người - ảnh 1

Các nhà khoa học lo ngại rằng virus mới có thể chống lại các loại vắc xin phòng Covid-19 hiện có

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Nó có thể lây nhiễm sang người không?

Khosta-2 được phân loại là sarbecovirus, một nhánh của họ virus corona.

Ngoài việc là họ hàng xa của SARS-CoV-2, hầu như các nhà khoa học chưa biết gì về loại virus này.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Bang Washington (Mỹ) đã quyết định thực hiện các thử nghiệm trên loại virus này, với hy vọng sẽ học hỏi được nhiều điều hơn.

Tiến sĩ Stephanie Seifert và các đồng nghiệp cũng đã thử nghiệm trên Khosta-1 - một loại virus giống với Khosta-2 được phát hiện trong cùng các mẫu ban đầu.

Các thử nghiệm cho thấy virus mới này có thể lây nhiễm vào tế bào người theo kiểu gần giống với SARS-CoV-2.

Bằng cách sử dụng một loại protein giống như gai trên bề mặt của nó, virus bám vào một loại enzyme xâm nhập được tìm thấy ở bên ngoài tế bào cơ thể người, được gọi là ACE-2.

Vắc xin Covid-19 có chống lại được loại virus này không?

Các thí nghiệm cũng kiểm tra xem liệu vắc xin hoặc thuốc Covid-19 có thể tiêu diệt Khosta-2 hay không, nếu nó lây sang người.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Khosta-2 có khả năng chống lại được 2 liều của cả 2 loại vắc xin Moderna và Pfizer, theo Daily Mail.

Tuy nhiên, tiến sĩ Seifert và các đồng nghiệp cho biết vẫn có khả năng là miễn dịch do nhiễm Covid-19 tự nhiên - hoặc miễn dịch do tiêm vắc xin ở người có thể đánh bại virus Khosta-2.

Kết quả của cuộc thử nghiệm đã được công bố trên tạp chí y khoa PLoS Pathogens.

Theo Thanh niên