Tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh ung thư gan, ngay cả ở những người mắc bệnh tiểu đường và béo phì - Ảnh minh họa: Shutterstock
Một nghiên cứu mới, được báo cáo trên tạp chí về bệnh gan Journal of Hepatology, đã chứng minh mạnh mẽ rằng, tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh ung thư gan, ngay cả ở những người mắc bệnh tiểu đường và béo phì, theo Medical Express.
Béo phì và tiểu đường là phổ biến trong số những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ - có thể là tiền thân của ung thư biểu mô tế bào gan.
Hơn 800.000 người trên toàn thế giới mắc ung thư gan mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư, chiếm hơn 700.000 ca tử vong mỗi năm.
Hiện có rất ít phương pháp hiệu quả để điều trị ung thư gan, với tỷ lệ tử vong gần bằng với tỷ lệ mắc bệnh. Vì vậy, các phương pháp để ngăn ngừa ung thư gan là rất cần thiết, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Geoffrey C. Farrell, từ Đại học Quốc gia Bệnh viện Canberra, Garran, ACT (Úc), giải thích.
Nhiều dữ liệu cho thấy, những người tập thể dục thường xuyên, ít có nguy cơ mắc ung thư gan. Nhưng các nghiên cứu vẫn chưa giải quyết được vấn đề đặt ra là liệu điều này có cơ sở sinh học thực sự hay không, và cơ chế tác động như thế nào, nên chưa thể kết luận được.
Vì vậy, để điều tra tác động của việc tập thể dục thường xuyên đối với những người có nguy cơ mắc ung thư gan cao nhất, nhóm nghiên cứu đã điều tra việc tập thể dục ảnh hưởng đến ung thư gan ở chuột béo phì, tiểu đường, theo Medical Express.
Những con chuột được điều khiển di truyền từ nhỏ, để ăn nhiều trở thành béo phì và mắc bệnh tiểu đường loại 2. Đồng thời, chúng cũng được tiêm tác nhân gây ung thư liều thấp từ khi còn nhỏ.
Sau đó, tất cả chuột được chia thành 2 nhóm.
Một nhóm được chạy tới 40 km mỗi ngày bằng cách gắn vào một bánh xe chạy.
Nhóm còn lại không được tập thể dục và cũng ít vận động.
Kết quả cho thấy, nhóm chuột tập thể dục đã chậm quá trình tăng cân trong 3 tháng, nhưng vào cuối 6 tháng thí nghiệm, cả 2 nhóm đều bị béo phì.
Nhưng điều bất ngờ nhất, là vào lúc 6 tháng, hầu hết chuột trong nhóm ít vận động đều bị ung thư gan. Trong khi không có con chuột nào trong nhóm tập thể dục mắc bệnh này, theo Medical Express.
Nghiên cứu này cho thấy tập thể dục có thể ngăn chặn sự phát triển ung thư gan ở những con chuột mắc bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến béo phì và tiểu đường loại 2.
Cụ thể, hầu hết chuột béo phì - được tiêm chất gây ung thư liều thấp, đã phát bệnh ung thư gan trong vòng 6 tháng.
Trong khi đó, những con chuột thường xuyên tập thể dục vẫn không mắc, dù cũng đã được tiêm chất gây ung thư. Chúng đã hoàn toàn được bảo vệ chống lại sự phát triển ung thư gan trong thời gian thí nghiệm, theo Medical Express.
Như vậy, việc kiểm soát cân nặng không làm giảm sự phát triển của ung thư gan.
Các nhà điều tra cũng thực hiện các nghiên cứu chi tiết hơn, để làm rõ cơ chế tác động của việc tập thể dục trong việc ngăn ngừa ung thư gan.
Họ đã phát hiện ra rằng, tập thể dục tác động đến các con đường phân tử, bằng cách tắt các protein kích hoạt căng thẳng và kích hoạt một gien ức chế khối u - được gọi là “người bảo vệ tế bào”. Các gien này đã hoạt động để ngăn chặn sự phát triển không ngừng của tế bào ung thư.
Tập thể dục đã được chứng minh là có thể cải thiện bệnh ở bệnh nhân xơ gan.
Nếu các nghiên cứu hiện tại, trên mô hình động vật mô phỏng người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, có thể được nhân rộng ở bệnh nhân, thì tập thể dục có thể trì hoãn sự khởi phát của ung thư gan và làm giảm bớt bệnh nếu không ngăn chặn được hoàn toàn, kết quả là cải thiện rất nhiều đến kết quả của bệnh nhân, tiến sĩ Farrell nhận xét, theo Medical Express.
Theo thanhnien