Kết quả nghiên cứu đã phát hiện hết sức bất ngờ: Đặt tay sai cách khi đo huyết áp có thể làm sai lệch kết quả khá lớn, có thể "biến" một người không mắc bệnh thành bệnh nhân huyết áp cao.
Huyết áp cao thường âm thầm nhưng nếu không được điều trị, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và các bệnh tim mạch nghiêm trọng. Chính vì vậy, đo huyết áp chính xác là rất quan trọng, theo chuyên trang nghiên cứu Study Finds.
Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?
Để tìm hiểu xem vị trí đặt tay có ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp hay không, tiến sĩ - bác sĩ Tammy Brady, giám đốc chương trình tăng huyết áp nhi khoa, Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) và các đồng nghiệp đã tiến hành thử nghiệm bao gồm 133 người tham gia ở độ tuổi từ 18 đến 80.
Các tác giả nghiên cứu muốn so sánh các kết quả đo huyết áp được thực hiện khi đặt tay ở 3 vị trí khác nhau: Đặt tay trên bàn, đặt tay trên đùi hoặc thả lỏng cánh tay - 3 cách đặt tay phổ biến nhất khi đo huyết áp.
Kết quả đã phát hiện: Buông thõng tay khi đo huyết áp khiến huyết áp tâm thu (số trên) cao hơn gần 7 điểm so với khi đặt tay trên bàn, đồng thời, huyết áp tâm trương (số dưới) cũng cao hơn 4,4 điểm so với khi đặt tay trên bàn.
Đáng chú ý, đối với bệnh nhân huyết áp cao, sự sai lệch này còn rõ rệt hơn. Buông thõng cánh tay khi đo huyết áp có thể khiến huyết áp tâm thu của họ sai lệch cao hơn đến 9 điểm.
Tương tự, đặt tay trên đùi khi đo huyết áp làm huyết áp tâm thu cao hơn gần 4 điểm, và huyết áp tâm trương cao hơn 4 điểm so với khi đặt tay trên bàn, theo Study Finds.
Những sai lệch này có thể "biến" nhiều người không mắc bệnh thành bệnh nhân huyết áp cao và phải uống thuốc huyết áp. Ví dụ, huyết áp thực là 134, nhưng nếu buông thõng tay khi đo, kết quả có thể lên tới hơn 140, được coi là huyết áp cao giai đoạn 2.
Tác giả chính, tiến sĩ Brady, cho biết mức sai lệch gần 7 điểm ở tư thế thả lỏng cánh tay, là điều hết sức bất ngờ.
Cách đặt tay đúng để đo huyết áp
Theo hướng dẫn, cánh tay của bệnh nhân phải được đặt trên bàn hoặc mặt phẳng sao cho phần giữa của vòng bít ngang với tim.
Các nhà nghiên cứu giải thích: Khi để cánh tay xuống dưới mức tim, như khi đặt trên đùi hoặc buông thõng bên hông, trọng lực sẽ làm tăng áp lực trong động mạch. Ngoài ra, những tư thế này dẫn đến căng cơ và thay đổi lưu lượng máu có thể làm tăng huyết áp tạm thời.
Theo Thanh niên