leftcenterrightdel
 Một người đàn ông đi bộ trong tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh:Reuters.

Theo AFP, nghiên cứu chưa được công bố trên tạp chí chuyên ngành nhưng đã được nhóm chuyên gia của Viện Francis Crick (Anh), trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư Y tế châu Phi, diễn ra ở Paris hôm 10/9.

Nghiên cứu đã minh họa nguy cơ sức khỏe do các hạt nhỏ tạo ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra, dấy lên những lời kêu gọi hành động khẩn cấp hơn để chống lại biến đổi khí hậu.

Theo ông Charles Swanton, Viện Francis Crick, nghiên cứu này có thể mở đường cho lĩnh vực phòng chống ung thư mới.

Giải mã hiện tượng bí ẩn

Ônhiễm không khí từ lâu đã được cho là có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi cao hơn ở những người chưa từng hút thuốc. Thông thường, người ta cho rằng tiếp xúc với các chất gây ung thư như trong khói thuốc lá hoặc ô nhiễm làm đột biến DNA. Hậu quả là nhiều người bị ung thư.

Tuy nhiên, vẫn có một điểm mờ trong giả thuyết này. Theo ông Swanton, nghiên cứu trước đây đã chỉ ra đột biến DNA có thể hiện diện mà không gây ung thư. Và đặc biệt là hầu hết chất gây ung thư trong môi trường đều không gây ra đột biến gene.

Chính vì vậy, nghiên cứu của ông đề xuất mô hình lý giải khác. Nhóm chuyên gia từ Viện Francis Crick và University College London đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 460.000 người ở Anh, Hàn Quốc và Đài Loan.

Họ phát hiện việc tiếp xúc với các hạt ô nhiễm PM2.5 cực nhỏ - có kích thước dưới 2,5 micron - dẫn đến nguy cơ đột biến gene EGFR cao hơn.

Trong các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm trên chuột, nhóm tác giả phát hiện các hạt gây ra những thay đổi trong gene EGFR cũng như trong gen KRAS, đều có liên quan ung thư phổi.

Cuối cùng, họ phân tích gần 250 mẫu mô phổi của con người không bao giờ tiếp xúc với chất gây ung thư do hút thuốc hoặc ô nhiễm nặng. Phổi của họ khỏe mạnh nhưng có đột biến DNA trong 18% gene EGFR và 33% gene KRAS.

“Chúng chỉ ‘ngồi’ ở đó và có lẽ không đủ để phát triển thành bệnh ung thư”, ông Swanton nói và cho biết các đột biến dường như tăng lên theo tuổi tác.

Ông nói thêm nhưng khi một tế bào tiếp xúc với ô nhiễm, nó có thể kích hoạt "phản ứng chữa lành vết thương" gây ra viêm nhiễm. Và nếu tế bào đó "chứa một đột biến, nó sẽ hình thành ung thư".

Theo vị chuyên gia, điều này đã giúp họ phát hiện cơ chế sinh học đằng sau những gì trước đây từng là một bí ẩn.

Trong một thí nghiệm khác trên chuột, họ phát hiện một loại kháng thể có thể ngăn chặn chất trung gian interleukin 1 beta gây ra tình trạng viêm, ngăn ung thư khởi phát ngay từ đầu.

Ông Swanton hy vọng phát hiện này sẽ cung cấp cơ sở cho tương lai phòng chống ung thư mới ở cấp độ phân tử. Đó là nơi mà bệnh nhân chỉ cần uống một viên thuốc mỗi ngày để giảm nguy cơ ung thư.

"Cuộc cách mạng"

Suzette Delaloge, Giám đốc Chương trình phòng chống ung thư tại Viện Gustave Roussy của Pháp, đánh giá nghiên cứu này "mang tính cách mạng, bởi chúng tôi chưa có chứng minh nào về cách hình thành ung thư thay thế những giả thuyết trước đây".

Bà nói với AFP: "Đây là bước tiến khá quan trọng với khoa học và tôi hy vọng là cả xã hội nữa".

Bà Delaloge không tham gia vào nghiên cứu nhưng đã đưa ra một số thảo luận về nó tại hội nghị diễn ra hôm 10/9. Theo bà, điều này mở ra cánh cửa lớn cả về kiến thức và cách mới để ngăn ung thư phát triển. Đồng thời, nó buộc các nhà chức trách phải hành động trên quy mô quốc tế.

leftcenterrightdel
Nghiên cứu mới phát hiện việc tiếp xúc với các hạt ô nhiễm PM2.5 cực nhỏ - có kích thước <2,5 micron - dẫn đến nguy cơ đột biến gene EGFR cao hơn. Đây là đột biến gene làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Ảnh:Freepik. 

Nhà ung thư học Tony Mok, Đại học Trung văn Hong Kong, gọi nghiên cứu này là "sự thú vị". Ông nói: “Chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu trong tương lai có thể sử dụng phương pháp chụp cắt lớp phổi để tìm kiếm các tổn thương tiền ung thư ở cơ quan này và cố gắng đảo ngược chúng bằng các loại thuốc như thuốc ức chế beta interleukin 1 hay không".

Trong khi đó, ông Swanton gọi ô nhiễm không khí là "kẻ giết người giấu mặt". Nghiên cứu ước tính nó có liên quan đến cái chết của hơn 8 triệu người mỗi năm - tương đương với thuốc lá.

Một nghiên cứu khác đã liên kết PM2.5 với 250.000 ca tử vong hàng năm vì ung thư phổi.

"Bạn và tôi có quyền lựa chọn về việc có hút thuốc hay không, nhưng chúng ta không có quyền lựa chọn về không khí mà chúng ta hít thở. Khi cho rằng số người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5 lần so với thuốc lá, bạn sẽ thấy đây là vấn đề toàn cầu nhức nhối", ông Swanton nói thêm.

Vị chuyên gia nhấn mạnh chúng ta chỉ có thể giải quyết nó nếu nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe khí hậu và sức khỏe con người.

Ung thư phổi là bệnh phổ biến trên thế giới và đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý ung thư thời gian qua. Ước tính mỗi năm có khoảng 1,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu do ung thư phổi.

Theo Johns Hopkins Medicine, các triệu chứng đáng chú ý của ung thư phổi có thể không xuất hiện cho đến khi bệnh diễn biến ở giai đoạn nặng. Trong một số trường hợp, triệu chứng bệnh rất khó nhận ra hoặc dễ nhầm lẫn với nhiều tình trạng sức khỏe khác như mệt mỏi, ho, đau ngực, khó thở không rõ nguyên nhân, giảm cân hoặc chán ăn. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn ho ra máu, bạn cần đi khám ngay.

Theo zingnews