Theo đó, những người trong độ tuổi từ 42 đến 52, đặc biệt là phụ nữ, ngủ nhiều hơn 6 tiếng mỗi đêm, có nguy cơ đau tim, đột quỵ thấp hơn đến 72%, so với ngủ dưới 5 tiếng, theo tờ New York Post.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) đã theo dõi gần 3.000 người, chủ yếu là phụ nữ, từ 42 đến 52 tuổi, trong suốt 22 năm, ghi lại thói quen ngủ và sức khỏe tim mạch của họ.
Trong số những người tham gia, có 55% ngủ khoảng 6 tiếng rưỡi mỗi đêm và 14% thường xuyên ngủ ít hơn 5 tiếng.
Nghiên cứu cho thấy trung bình những người ngủ nhiều hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ, đau tim, suy tim và bệnh động mạch vành thấp hơn 72% so với những người ngủ ít hơn 5 tiếng.
Đặc biệt, đối với những người bị mất ngủ hơn 3 lần mỗi tuần và ngủ trung bình ít hơn 5 tiếng mỗi đêm, tác hại thậm chí còn nặng nề hơn. Ở những người này, nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn đến 75%, theo New York Post.
Các chuyên gia cho rằng mối liên hệ giữa giấc ngủ và bệnh tim có thể là do ngủ không đủ giấc làm tăng huyết áp và gây ra tình trạng kháng insulin, làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu.
Ngủ không đủ giấc cũng làm tăng nguy cơ béo phì, nhất là ở phụ nữ. Béo phì vốn là nguyên nhân gây ra các vấn đề về tim mạch.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng người trưởng thành gặp phải các vấn đề về giấc ngủ nhiều hơn và sức khỏe tim mạch suy giảm khi họ bước vào tuổi trung niên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, theo New York Post.
Thiếu ngủ sâu cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo Thanh niên