Viêm dạ dày tá tràng ở trẻ thường gặp ở độ tuổi 10 -15 và có cả trẻ 4 tuổi. Vậy khi trẻ mắc viêm dạ dày tá tràng thì điều trị thế nào, cách phát hiện ra sao?

Trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng và sự lo ngại nhiễm H. Pylori

Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng bệnh lý viêm gây ra do sự mất cân bằng của yếu tố bảo vệ tế bào và yếu tố độc tế bào ở dạ dày tá tràng, dẫn đến viêm hay loét dạ dày tá tràng.

Viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính không liên quan đến tình trạng nhiễm Helicobater Pylory (vi khuẩn H.P). Mà thường có sự liên quan đến stress, bỏng nặng, chấn thương nặng, các thuốc Corticoid, NSAID, bệnh toàn thân như bệnh Crohn, bệnh tự miễn. Còn viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính thường liên quan tới tình trạng nhiễm H. Pylori.

Điều làm nhiều cha mẹ lo lắng, nếu viêm loét dạ dày tá tràng do H. Pylori thì liệu có nguy cơ gây ung thư? Trên thực tế các nghiên cứu cho thấy, tại các nước đang phát triển gia tăng tỷ lệ trẻ em có bằng chứng nhiễm H. Pylori trên xét nghiệm. Và số trẻ em bị nhiễm H. Pylori đều bị viêm dạ dày mạn tính trên xét nghiệm mô học, nhưng đại đa số không có triệu chứng. Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em hầu hết do nguyên nhân nhiễm H. Pylori, các nghiên cứu cho thấy khoảng 60 - 90% số trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng là do H. Pylori.

Các nhà khoa học ghi nhận rằng, số người lớn bị nhiễm H. Pylori là do bị nhiễm trong thời kỳ còn nhỏ và H. Pylori sẽ tồn tại đến tận khi trưởng thành nếu không được điều trị. Các nhà nghiên cứu chứng minh rằng, cho dù H. Pylori là tác nhân gây ung thư dạ dày, nhưng chỉ khoảng 1% những người nhiễm H. Pylori sẽ phát triển thành ung thư dạ dày trong nhiều năm về sau.

Như vậy, có thể nói tình trạng nhỏ bị viêm dạ dày tá tràng do H. Pylori không thực sự khiến cha mẹ phải hoang mang, lo lắng.

Phát hiện và điều trị viêm dạ dày tá tràng ở trẻ - Ảnh 2.

Viêm dạ dày tá tràng là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, gặp ở nhiều lứa tuổi. Ảnh minh hoạ.

Triệu chứng nhận biết khi trẻ bị viêm dạ dày tá tràng

Với tình trạng thường không có biểu hiện khi nhiễm H. Pylori trong viêm dạ dày tá tràng ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ có các biểu hiện sau.

Trẻ than kêu đau bụng. Tình trạng trẻ bị đau bụng là biểu hiện thường gặp. Các ghi nhận cho thấy khoảng 81 - 97% số trẻ viêm dạ dày tá tràng bị đau bụng. Tuy nhiên, tình trạng đau bụng ở trẻ thường không giống như ở người lớn. Vị trí đau bụng có thể trên rốn hoặc quanh rốn, đau bụng thất thường có khi như giả vờ, thường liên quan đến bữa ăn (trước ăn hoặc sau ăn), tái đi tái lại. Vì vậy, phụ huynh thường hay chủ quan nghĩ rằng đau bụng do rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun… nên bệnh được phát hiện muộn. Nhiều trường hợp trẻ đau bụng kéo dài, không được chẩn đoán điều trị sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa…

Cha mẹ cần lưu ý, nếu đau bụng kéo dài do nguyên nhân tiêu hóa, đặc biệt là bệnh lý dạ dày tá tràng chiếm tới 17 - 70%. Tỷ lệ nhiễm H.Pylori ở các trẻ bị đau bụng tái diễn khoảng 56 - 79%.

Trẻ viêm dạ dày tá tràng có biểu hiện buồn nôn, nôn. Đây là biểu hiện thứ 2 mà nhiều trẻ thường được ghi nhận khi mắc bệnh. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 30 - 47% số trẻ viêm dạ dày tá tràng có biểu hiện nôn và buồn nôn.

Ngoài ra, số trẻ còn có biểu hiện ợ hơi, ợ chua chiếm khoảng 25 - 30% trường hợp viêm dạ dày tá tràng. Nhiều trẻ có biểu hiện chán ăn bởi do đau bụng, đầy hơi, buồn nôn... nên trẻ sẽ biếng ăn. Nhiều trẻ gặp phải tình trạng đầy bụng, da xanh xao, hay chóng mặt bởi khi bị viêm dạ dày hoặc viêm loét dạ dày tá tràng sẽ gây thiếu máu mạn tính. Tình trạng này rõ hơn nếu viêm nhiễm kéo dài, khiến trẻ không tập trung khi học.

Nếu không được điều trị, trẻ có thể sẽ bị rối loạn phân, thậm chí xuất huyết dạ dày do viêm loét dạ dày tá tràng. Các ghi nhận tại phòng khám cho thấy trẻ nôn ra máu, đại tiện phân đen, thiếu máu thường do xuất huyết tiêu hoá. Tuy nhiên, nôn thường xuyên khi có hẹp môn vị.

Để chẩn đoán viêm dạ dày tá tràng, việc chỉ định nội soi dạ dày tá tràng là cần thiết. Để tìm nguyên nhân, đặc biệt là tìm vi khuẩn H.Pylori, trong quá trình nội soi dạ dày, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm tìm vi khuẩn H.Pylori (Clo test, mô bệnh học, nuôi cấy vi khuẩn) và các nguyên nhân khác.

Phát hiện và điều trị viêm dạ dày tá tràng ở trẻ - Ảnh 4.

Khi trẻ bị viêm dạ dày tá tràng ,cha mẹ cần cho trẻ ăn đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Điều trị viêm dạ dày tá tràng ở trẻ

Đa số các trường hợp viêm dạ dày tá tràng được điều trị ngoại trú bằng thuốc uống theo các phác đồ được cập nhật mới nhất. Ngoài việc thực hiện tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, cha mẹ cần cho trẻ ăn đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều bữa nhỏ. Bữa ăn nên ăn đúng giờ, không để quá đói hoặc ăn quá no. Cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít chất mỡ, ít chất kích thích... Không ép trẻ học hành căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý và tái khám đúng hẹn.

Tuyệt đối không cho trẻ ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ (cách giờ đi ngủ > 3 giờ). Không ăn thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá nhiều gia vị, tránh cho trẻ uống nước uống có ga, nước ngọt, nước tăng lực… Không tự ngưng điều trị, thay đổi thuốc, giảm liều ngay cả khi trẻ cảm thấy đỡ nhiều.

Tóm lại: Trẻ em cũng có thể bị viêm dạ dày tá tràng và có thể gây chảy máu dạ dày. Tình trạng trẻ nhỏ viêm loét viêm dạ dày tá tràng có thể không có triệu chứng rõ ràng và khó chẩn đoán, thường ít gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng không phải là hiếm gặp. Chính vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan, nếu thấy trẻ thường xuyên kêu than đau bụng, buồn nôn, nôn… hoặc có biểu hiện nghi ngờ khác cần đưa trẻ tới cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Theo suckhoedoisong.vn