Viêm cân gan bàn chân gây ra những cơn đau nhói phức tạp ở vùng gót chân và phía dưới bàn chân. Cơn đau sẽ có mức độ tăng dần theo thời gian, đặc biệt mức độ tăng cao nhất khi người bệnh bước đi mỗi khi thức dậy sau giấc ngủ hoặc khi bước đi đột ngột. Vậy đâu là yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm cân gan bàn chân?

1. Nguyên nhân viêm cân gan bàn chân

Cân gan bàn chân là một dải mô bền giống như dây cao su nằm bên dưới xương chân. Nó được gắn ở phần cuối xương gót chân và gần ngón chân. 

Trong điều kiện bình thường, cân gan chân kéo căng như một dây cung dưới lòng gan chân, đóng vai trò như một cái "nhíp" - thuộc hệ thống giảm xóc của xe, giúp cho cơ thể không bị sang chấn khi đi bộ hoặc chạy nhảy. 

Tuy nhiên, khi cân gan chân phải chịu một lực căng kéo dài liên tục, các vết rách nhỏ sẽ xuất hiện trên cân gan chân. Việc này lặp đi lặp lại nhiều sẽ làm cho cân gan chân bị tổn thương và dẫn đến bị viêm.

Các yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến viêm cân gan bàn chân - Ảnh 2.

Viêm cân gan bàn bàn chân là một trong những căn bệnh hay gặp nhất ở vùng gót chân.

2. Các yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến viêm cân gan bàn chân

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm cân gan chân, trong đó hay gặp nhất là các yếu tố sau:

+ Yếu tố tuổi, theo nghiên cứu bệnh hay gặp ở tuổi 40 đến 60.

+ Yếu tố hoạt động thể dục - thể thao như nhảy Aerobic, khiêu vũ, chạy bộ hay đi bộ nhiều...

+ Do cấu trúc bàn chân: Bàn chân bẹt hoặc bàn chân có vòm gan chân quá lớn cũng là yếu tố gây ảnh hưởng phát sinh viêm cân gan chân.

+ Yếu tố béo phì: Cân nặng quá mức là nguyên nhân khởi phát khi gia tăng lực ép lên bàn chân khi đứng lâu, đi lại hoặc chạy nhảy…

+ Yếu tố nghề nghiệp: Những công việc phải đứng lâu một chỗ như giáo viên, công nhân, phẫu thuật viên… cũng là những yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến bệnh viêm cân gan chân.

Các yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến viêm cân gan bàn chân - Ảnh 3.

Viêm cân gan bàn bàn chân gây ra những cơn đau nhói phức tạp ở vùng gót chân và phía dưới bàn chân.

3. Triệu chứng điển hình viêm cân gan bàn chân

Khi mắc viêm cân gan bàn chân có thể có một số triệu chứng sau đây:

- Cơn đau thường có mức độ từ nhẹ đến nặng và thường sẽ tăng dần theo thời gian.

- Có cảm giác đau nhói vùng gót chân và bên dưới bàn chân.

- Cơn đau thường hay xảy ra ở một bên bàn chân, nhưng cũng sẽ có một số trường hợp đặc biệt xảy ra ở cả hai bên.

- Cơn đau càng tăng sau mỗi khi ngủ dậy hay có thời gian nghỉ lâu và đột ngột bước đi.

- Cơn đau cũng có thể xuất hiện khi cố gắng co bàn chân hay duỗi chân hết cỡ. Các ngón chân duỗi hướng về phía ống quyển chân, đứng quá lâu hay đi lại sau khi ngồi.

- Cơn đau có thể giảm bớt khi đi bộ nhẹ nhàng, nhưng sẽ tăng nặng hơn khi cố gắng tập luyện thể thao.

- Ngoài ra, cũng có một số triệu chứng hiếm khi xuất hiện như bàn chân bị ngứa râm ran, tê rần, sưng tấy, đau lan rộng.

- Nếu bệnh nhân bị đứt hay rách cơ cân gan chân thì sẽ gặp hiện tượng đau cấp tính, sưng cục bộ,...

Bệnh viêm cân gan chân cần được điều trị sớm, tránh để kéo dài, sự thay đổi tư thế đi lại lâu ngày sẽ dẫn đến đau khớp bàn cổ chân, gối, háng và cột sống.

Các yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến viêm cân gan bàn chân - Ảnh 5.

Vật lý trị liệu để kéo căng cân gan chân và tăng cường cơ chân dưới, ổn định mắt cá và gót chân.

4. Điều trị viêm cân gan bàn bàn chân thế nào?

Về điều trị, cơ bản cần để gót chân đau nghỉ ngơi, có thể ngưng vận động chân hoàn toàn trong vài ngày khi bị đau nặng.

Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cụ thể, có thể kê đơn thuốc giảm đau chống viêm như Aspirin hoặc Ibuprofen. Với người bệnh trên 65 tuổi không nên dùng thuốc kháng viêm non - Steroid hơn 7 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Chườm lạnh gót chân trong vài phút nhiều lần trong ngày có thể giúp giảm đau.

Người bệnh cố gắng làm êm chân bằng cách dùng giày thể thao ngay cả khi đi làm trong một thời gian. Với người thừa cân hoặc người luống tuổi, nên dùng đệm gót giày.

Việc chọn giày thích hợp với vòm chân sẽ đặc biệt giúp ích cho người có vòm chân bị dẹp hoặc cao.

Nếu cơn đau ở bàn chân không giảm bằng những cách điều trị trên, có thể phối hợp vật lý trị liệu. Mục tiêu của vật lý trị liệu là kéo căng cân gan chân và tăng cường cơ chân dưới, ổn định mắt cá và gót chân. Có trường hợp phải quấn băng thể thao để hỗ trợ cẳng chân; hoặc dùng một thanh nẹp vừa bắp chân đeo suốt đêm để giữ chân duỗi thẳng khi ngủ. Hiếm khi cần phẫu thuật.

Viêm cân gan bàn chân là tình trạng thường gặp. Hầu hết những trường hợp mắc bệnh viêm cân gan bàn chân có thể giải quyết được bằng phương pháp điều trị nội khoa, rất hiếm khi phải can thiệp phẫu thuật. Trong quá trình chữa trị có thể khó khăn hơn ở những người điều trị muộn. Những trường hợp không được điều trị sớm sẽ gây đau gót chân mạn tính. Điều này làm cản trở khả năng đi đứng và các hoạt động sinh hoạt của người bệnh. 

Theo suckhoedoisong.vn